Bài viết sau đây của Neil Newman viết riêng cho trang Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng. Ông là một nhà chiến lược đầu tư, chuyên tập trung vào thị trường chứng khoán toàn châu Á. Ông có kinh nghiệm làm việc tại các trung tâm tài chính toàn cầu lớn như Tokyo, London và New York.
Đồng đô la gặp bất lợi
Trong tuần trước, tôi đã có dịp ngồi uống bia với một đồng nghiệp cũ đáng kính và tuyệt vời, bình luận viên Tom Holland. Anh ấy nói rằng những người xung quanh anh đều nghĩ rằng đồng đô la Mỹ sẽ "sụp đổ", và Tom bắt đầu cho rằng nhận định đó có thể đúng.
Trong vòng 4 năm qua, giới phân tích và các nhà bình luận tiền tệ đều cho rằng sức mạnh của đồng đô la Mỹ là quá lớn và cần được điều chỉnh. Điều tương tự cũng xảy ra với đồng đô la Hong Kong.
Nếu so với đồng bảng Anh hoặc đồng Euro, thì thực sự đồng đô la vẫn đang rất mạnh. Nhưng như Tom đã chỉ ra, điều gì sẽ xảy ra nếu đồng đô la sụp đổ?
Tờ bạc xanh ngày càng mất giá so với các ngoại tệ khác. Ảnh: Admiral Markets |
Đồng bảng rất khó có khả năng mất giá khi xem xét tình trạng nền kinh tế Anh hiện tại. Đồng Euro cũng không dễ mất già vì lí do tương tự. Trường hợp có nhiều khả năng hơn là đồng đô la nói chung sẽ mất giá so với các loại tiền tệ chính, và tất nhiên sẽ có cả đô la Hong Kong. Tôi gợi ý với Tom rằng, có một sự sụt giảm mạnh của đồng đô la có thể đã xảy ra, nhưng đó là với vàng.
Đôi khi, mọi người quên mất rằng vàng không chỉ là một món đồ trang sức xa xỉ và những đồng xu sang trọng, mà nó còn được dùng để giao dịch chẳng khác gì một loại tiền tệ. Và giống như một loại tiền tệ, nó có thể tự do chuyển đổi thành các loại đồng tiền khác nhau.
Điều đó cũng có nghĩa là đồng đô la Mỹ có thể giảm giá trị so với vàng, cũng như so với bất kì loại tiền tệ nào khác. Hiện nay, một ounce vàng đã vượt trên mốc 2.000 USD.
Vàng, thực và ảo
Vàng khác với những vật chất có giá trị khác, chẳng hạn như kim cương trong két sắt của bạn hoặc Rolexes dưới gầm giường, ở chỗ nó có khả năng phá giá so với tất cả những món đồ giá trị kia.
Về cơ bản, giá kim cương do De Beers quy định và giá đồng hồ Rolexes do nhà sản xuất chúng quyết định, và thường tăng lên theo tháng năm.
Bạn cũng có thể mua vàng và bạc ảo thông qua hợp đồng tương lai, quĩ ETF hoặc các quĩ đầu tư vào kim loại quí thông qua công cụ phái sinh. Tuy nhiên, chiến lược này có thể khá rủi ro, do bạn không mua vàng thật, mà vàng thực chất thuộc về quĩ ETF hoặc các nhà phát hành sản phẩm phái sinh khác.
Theo hội đồng vàng thế giới, COVID-19 đã tác động mạnh đến nhu cầu sở hữu vàng dưới dạng vật lí. Trong nửa đầu năm 2020, nhu cầu dành cho vàng thỏi giảm 17%, trong khi đó cầu vàng trang sức lao dốc 46% so với năm ngoái.
Vàng đã có một tháng tăng giá đảo điên. Ảnh: Bloomberg |
Bù đắp lại điều này, trong một thời gian dài, dòng vốn từ các quĩ ETF đổ vào vàng đạt mức kỉ lục, điều này đã khiến giá vàng tăng 17% tính theo đô la Mỹ trong nửa đầu năm nay.
Lo ngại rủi ro có thể xảy ra với các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, cơ quan chức năng Trung Quốc và một số ngân hàng lớn, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), đã đưa ra các biện pháp hạn chế ở đại lục vào cuối tuần trước, đối với những người muốn đầu cơ vào kim loại quí, bao gồm cả vàng.
Con người sẽ cất trữ tiền bạc ở đâu trong thời kì khủng hoảng?
Trong những thời điểm kinh tế xã hội khủng hoảng hoặc căng thẳng chính trị, chẳng hạn như bầu cử Tổng thống Mỹ, bỏ phiếu Brexit, và bây giờ là khủng hoảng COVID-19, tiền tìm đến vàng, cùng với đồng yên Nhật và đồng franc Thụy Sĩ, những thứ mà chúng ta cảm thấy an toàn khi gửi gắm số tiền mồ hôi nước mắt của mình.
Đồng yên Nhật và đồng franc Thụy Sĩ được coi là loại tiền tệ "trú ẩn an toàn", dễ dàng truy cập thông qua các tài khoản ngân hàng đa tiền tệ trực tuyến và an toàn hơn nhiều so với việc cất giữ tiền trong két sắt.
Mặc khác, việc mua bán vàng phức tạp hơn một chút, phương pháp phổ biến là mua vàng, bỏ chúng vào két an toàn. Nhưng tất nhiên, điều đó có thể hơi bất lợi, đặc biệt là khi bạn muốn tiêu chúng.
Vàng có phải là hàng hoá xa xỉ?
Khi nghĩ đến vàng, chúng ta thường liên tưởng đến những món đồ xa xỉ. Giờ đây, COVID-19 đã đánh sập thị trường hàng xa xỉ, do vậy sẽ không hợp lí khi hi vọng rằng nhu cầu trang sức mạnh mẽ sẽ thúc đẩy giá vàng. Tất nhiên, khi chúng ta thoát khỏi đại dịch, và mọi người đi "mua sắm trả thù", điều này có thể thay đổi.
Kinh tế học cơ bản cho thấy rằng, việc chính phủ bơm một lượng lớn tiền vào nền kinh tế có thể khiến sức mua giảm, khi tiền có nhiều hơn trong lưu thông và trong ví của người dân.
Kim loại quý vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho các nhà đầu tư. Đồ hoạ: Bloomberg |
Việc in tiền là điều dễ dàng, đặc biệt là khi bạn không cần máy đúc tiền để làm việc đó, và đó chính là những gì mà chính phủ các nước đang làm. Vì vậy, trong một thế giới hậu COVID-19, sức mua có khả năng giảm xuống, khiến lạm phát tăng lên - điều mà chúng ta có thể thấy ở các siêu thị tại Hong Kong.
Bạn có để ý xem giá hàng hoá thiết yếu đã biến động bao nhiêu chỉ trong vòng 3 tháng không? Chính quyền Hong Kong đã bơm gần 5% GDP hằng năm của thành phố vào nền kinh tế và tặng cho mỗi người dân 100.000 đô la Hong Kong.
Bây giờ, nếu chúng ta dừng phân phối tiền giấy và thay vào đó chi tiêu bằng vàng thật - các ngân hàng TW vẫn chưa tìm ra được thuật giả kim - đó có phải là một ý tưởng hay ho? Tuy nhiên, đi mua hàng với vàng và cân tiểu li là một điều phi thực tế. Đây là lúc fintech xuất hiện và làm cho quá trình này trở nên dễ dàng hơn.
Vàng trở thành một hình thức thanh toán điện tử
Nếu vàng là một dạng tiền tệ, thì tại sao không tồn tại thứ gì đó giống như một hệ thống thanh toán điện tử mà bạn có thể sử dụng để thanh toán cho việc mua hàng hoá thường ngày của mình, với vàng làm thước đo? Hoá ra có một thứ như vậy.
Một vài năm trước, tôi tình cờ phát hiện ra Glint - một công ty fintech có trụ sở tại Anh, cho phép bạn mua bán vàng vật lí thông qua ứng dụng, và sau đó chi tiêu bằng thẻ Mastercard. Và rất may mắn khi tôi được gặp CEO của công ty này, ông Jason Cozens - người đã thuyết phục tôi thử nghiệm với loại hình tiền tệ độc đáo này.
Hôm nay, tôi vừa mua một số vàng nhỏ thông qua Glint và được công ty cất giữ an toàn thay cho tôi. Sau đó, khi tôi đến các cửa hàng tạp hoá để mua hàng, tôi có thể thanh toán trực tiếp cho họ bằng vàng trong thẻ Mastercard của mình.
Điều này rất lạ lẫm và cho tôi một trải nghiệm thanh toán thú vị, nhưng hơn thế nữa, nó cho thấy cách các công ty fintech có thể tạo ra các lựa chọn đầu tư và thanh toán mới.
Glint là một công ty fintech có trụ sở tại Anh cho phép bạn mua vàng vật lí thông qua một ứng dụng và sau đó chi tiêu bằng thẻ Mastercard. Ảnh: Neil Newman |
Với sự gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu đối với đầu tư vào vàng vật lí, và niềm tin vào tiền giấy cho các chính phủ in ra đang dần biến mất, đặc biệt là đô la Mỹ, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Glint trở thành một ngôi sao mới nổi, là một trong số rất ít các lựa chọn trong không gian fintech mở ra các dịch vụ thanh toán điện tử và đầu tư điện tử thay thế.
Nên sớm mạo hiểm để cung cấp quyền truy cập trực tiếp và dễ dàng vào vàng vật lí theo thời gian thực, mà không cần phải đến cửa hàng vàng, hay vàng thỏi để cất giữ. Bản thân tôi nghĩ rằng hãy xem cái này! Nó sẽ được các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt nếu nó có kế hoạch niêm yết trong tương lai.