Giá vàng tại thị trường châu Á sụt giảm trong phiên 7/6, giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên làm suy yếu nhu cầu đối với các tài sản an toàn như vàng. Tuy vậy, việc lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và triển vọng về một môi trường lãi suất thích ứng kéo dài đã góp phần hạn chế đà giảm của giá vàng.
Vào lúc 17h41, giá vàng giao ngay giảm 0,38%, xuống 1.884,9 USD/ounce, sau khi tăng hơn 1% trong phiên trước đó do báo cáo viêc làm tháng 5/2021 của Bộ Lao động Mỹ không được lạc quan như kỳ vọng của giới phân tích. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn giảm 0,3%, xuống 1.886 USD/ounce.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết, không khí ảm đạm bao trùm thị trường châu Á trong phiên này, với đồng USD mạnh lên và với sự phục hồi của Bitcoin.
Theo ông Halley, mặc dù giá vàng đã có sự điều chỉnh trong những phiên gần đây, nhưng các nguyên tắc cơ bản để mặt hàng này tăng giá vẫn được duy trì. Chỉ trong trường hợp đường cong lợi suất của Mỹ tăng đột biến mới có khả năng thay đổi điều đó.
Chỉ số đồng USD tăng 0,1% so với đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ quốc tế, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trong khi đó, báo cáo việc làm tháng 5/2021 của Mỹ lại thua xa kỳ vọng đã xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm điều chỉnh các biện pháp kích thích tiền tệ.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ phiên này giảm xuống dưới 1,6% và dao động gần mức thấp nhất trong một tuần.
Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5/2021 tăng với tốc độ nhanh nhất trong 10 năm, thúc đẩy bởi giá hàng hóa tăng cao, trong khi tăng trưởng của lĩnh vực xuất khẩu không đạt như kỳ vọng.
Hiện các nhà đầu tư chuyển hướng chú ý sang báo cáo giá tiêu dùng của Mỹ và cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.
Tại Việt Nam, chốt phiên 7/6, giá vàng SJC trên thị trường TP.HCM được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,6 - 57,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
(Nguồn: TTX/Reuters)