Khó khăn chỉ mới bắt đầu
Theo Tổng cục thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 6 chỉ đạt 8.800 lượt, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm 61,3% so với tháng trước và giảm 99,3% so với cùng kỳ năm trước.
Do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Tính chung 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.
Theo đó, khách đến từ châu Á đạt 2,72 triệu lượt người, chiếm 72,9% tổng số khách quốc tế nhưng vẫn thấp hơn tới 58,4% so với cùng kỳ. Các thị trường chính cung cấp nguồn khách lớn cho Việt Nam như Trung Quốc giảm 63%; Hàn Quốc giảm 60,4%; Nhật Bản giảm 55,8%... Riêng khách đến từ Campuchia tăng 105,9%.
Thị trường du lịch quốc tế đóng băng, điều này đồng nghĩa với việc tất cả sẽ tập trung vào du lịch nội địa . Nhưng chiếc bánh du lịch nội địa lại quá nhỏ, công ty du lịch làm sao "sống sót" qua mùa dịch?
Đó là bài toán khó với các doanh nghiệp du lịch, khi mà cả inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) và outbound (khách từ Việt Nam đi nước ngoài) án binh bất động, chưa biết bao giờ hết dịch. Doanh nghiệp buộc phải tìm cách cứu cánh từ du lịch nội địa.
Ngay cả những công ty tour mạo hiểm Oxalis Adventure trước đây phục vụ phần lớn khách quốc tế thì nay cũng tập trung nguồn lực thu hút khách nội địa và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.
Ngay khi dịch bệnh xảy ra, công ty này phải hoàn tiền cho hơn 2.000 du khách đăng ký cho năm 2020. Điều này làm ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính 2020 của Oxalis nhưng doanh nghiệp không thể làm gì khác.
Để chen chân vào miếng bánh du lịch nội địa, Oxalis phối hợp với chính quyền tỉnh để giảm 30-50% các loại phí tham quan, phí dịch vụ môi trường rừng và những khoản thu khác. Oxalis chấp nhận cân đối lại chi phí, lợi nhuận để đưa ra một chương trình kích cầu giảm giá tour 20% so với trước đây...
Khách du lịch nội địa dự đoán sẽ tăng trường mạnh trong dịp hè. Ảnh: Bảo Thu. |
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng truyền thông Marketting công ty TST Tourist, thời điểm này những công ty có nhiều vốn sẽ ôm vé máy bay giá rẻ ở các chặng bay hot thu hút khách du lịch như Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang... để tạo ra sự cạnh tranh giá.
Nhiều công ty giảm 50% giá tour nhờ vào sự liên kết giữa ngành vận tải, khách sạn, chương trình khuyến mãi giá vé tham quan từ các địa phương... Đó là nguyên nhân vì sao khách được hưởng dịch vụ du lịch ở những resort, khách sạn 5 sao rẻ như giá 3 sao.
Còn đại diện công ty Du lịch Cánh Diều xác định sau dịch sẽ khó khăn về kinh tế dẫn đến người dân chi tiêu tiết kiệm hơn và du lịch không phải là những thứ ưu tiên hàng đầu nên quyết định tạm đóng tất cả tour tuyến du lịch nước ngoài đến hết năm 2020 và tập trung nguồn lực khai thác thị trường du lịch nội địa.
Để cạnh tranh về giá, công ty phải kết hợp với khách sạn để có giá tốt nhất. Năm nay tất cả các khách đều lựa chọn dịch vụ 5 sao hoặc 4 sao vì được giảm đến 50%. Thậm chí những dịch vụ 3 sao công ty cũng không làm vì không có sức hút.
Theo đại diện công ty Lửa Việt Tours, khó khăn của công ty lữ hành và ngành du lịch chỉ mới bắt đầu: khách thì ít, tự đi thì nhiều, người làm du lịch thì đông... inbound và outbound đều nhào vô làm nội địa nên sự cạnh tranh rất ác liệt.
Nhiều doanh nghiệp mở cửa tối đa nhưng không có việc, nhiều khi chỉ he hé cho biết còn hoạt động. Khó nhất là các doanh nghiệp lưu trú 3-4 sao. Không mở thì chết. Mở mà chỉ lèo tèo 5 – 7% công suất cũng chết.
Thông thường 3 tháng hè, ngành du lịch làm có thể ăn cả năm, nhưng giờ hè chỉ còn 1 tháng, mà người đi du lịch lại ít vì còn lo ngại dịch bệnh, kinh tế lại khó khăn, người dân thắt chặt tiêu nên các công ty tranh nhau giảm giá dẫn đến câu chuyện phá giá có thể xảy ra.
Du lịch nội địa không gánh được khó khăn ngành du lịch
Theo nhận định của chuyên gia du lịch, thị trường du lịch quốc tế vốn chiếm tỷ trọng lớn về doanh thu lẫn lợi nhuận cho toàn ngành. Nên dù thị trường du lịch nội địa phục hồi thì ngành du lịch vẫn trông chờ vào thị trường quốc tế.
Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch, thì du lịch nội địa và quốc tế là hai mũi nhọn của ngành du lịch tồn tại và phát triển song song cùng nhau. Nên để ngành du lịch phát triển bền vững sau dịch đều cần có giải pháp kế hoạch phát triển 2 thị trường này.
Ông Đức cho biết từ những ngày đầu dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch đã ngồi lại cùng với các cụm địa phương và doanh nghiệp để tìm những giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời lên kế hoạch trong và sau dịch COVID-19 ngành du lịch phải làm gì?
Thị trường du lịch quốc tế mang lại doanh thu chính ch ngành du lịch. Ảnh: Bảo Thu. |
Ông Đức nhận định du lịch nội địa sẽ không gồng gánh được khó khăn của cả ngành du lịch, nhưng chương trình kích cầu là sự đồng lòng phối hợp giữa các địa phương và doanh nghiệp, để du lịch nội địa khởi động và tăng trưởng lại trong hoàn cảnh du lịch quốc tế bị đóng băng.
Tương tự như vậy, du lịch quốc tế ngay thời điểm này cũng đã có những kế hoạch xúc tiến, khai thác du lịch ngay sau khi thị trường mở cửa trở lại.
Trong thời gian dịch bệnh, Tổng cục du lịch đã ngồi lại với các doanh nghiệp để tổ chức các hội thảo online để kết nối với các đối tác quốc tế tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam qua trang Vietnam.travel....
“Các doanh nghiệp nước ngoài khá quan tâm và mong muốn những chuyến bay quốc tế được nối lại, họ sẵn sàng kết nối nhu cầu khách quốc tế đến Việt Nam”, ông Đức cho biết.
Ở thị trường quốc tế, chuyên gia khuyến cáo nhắm đến khơi thông trước các thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Đây là những thị trường chiếm hơn 80% lượng khách quốc tế đến Việt Nam hằng năm và đã kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Theo dự báo du lịch quốc tế sẽ bị suy giảm trong hai năm tới, có thể đe dọa đến các bộ phận lớn của ngành đang sử dụng tới 1,3 triệu lao động và ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP Việt Nam trong ngắn hạn.