• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đừng nghĩ đến việc bán nhà ở xã hội cho lao động nghèo trong hoàn cảnh hiện nay

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành...

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một lượng lớn công nhân rời các KCN-KCX về quê, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng phối hợp với địa phương cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc khu đất tái định cư 15 ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Đồng thời, tất cả dự án nhà ở xã hội cũng được rà soát để tìm giải pháp phát triển, tránh lãng phí đất tạo điều kiện cho công nhân có nơi ở an cư thay vì những khu trọ chật hẹp, không đủ điều kiện sống.

nha-o-xa-hoi-hoang-quan(1).jpg
Dự án HOF-HQC, tại 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân. Ảnh: VGP

Lao động nghèo có tiền mua?

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), từ năm 2020 thị trường bất động sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn không chỉ do yếu tố dịch bệnh COVID-19 mà còn bởi sự chồng chéo trong các luật, như Luật nhà ở, Luật Đất đai.

Chỉ tính riêng loại hình nhà ở xã hội, HoREA cũng từng nhiều lần gửi các văn bản kiến nghị về nhiều “điểm nghẽn” khiến bế tắc đối với cả nguồn cung và nguồn cầu của loại hình nhà ở này.

Về phía nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp than phiền về khó tiếp cận vốn, bị giới hạn lợi nhuận 10%, trong khi vẫn gặp rủi ro pháp lý là những rào cản về chính sách, thủ tục hành chính. Về phía người dân dù có nhu cầu về nhà ở nhưng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, theo quy định thì nhà ở xã hội có diện tích khoảng 25-30m2 và giá không quá 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại thì với mức giá này rất khó làm vì giá vật liệu, nhân công đều tăng khá cao.

“Ví dụ đất của nhà nước, nhà nước bỏ tiền xây dựng cơ sở hạ tầng: san lấp mặt bằng, làm đường xá, điện nước và thuê doanh nghiệp xây dựng thì giá cũng phải dao động từ 15 -20 triệu đồng/m2.

Đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người hưởng lương nhà nước như cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, giáo viên, y bác sĩ, công nhân trong các cơ quan xí nghiệp vốn nhà nước… chứ không phải lao động nghèo.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành

Như vậy theo ông Đực, nếu tính ra giá thành phẩm của một căn hộ nhà ở xã hội sẽ dao động từ 500-600 triệu đồng/căn. Với mức giá này, thực tế công nhân lao động nghèo, người có nhu cầu nhà ở thật sự, rất khó mua được. Do đó, UBND TP.HCM phải tính đến bài toán thuê mua nhà ở xã hội để người lao động nghèo không bị bỏ rơi trong chính sách này”, ông Đực nhận định.

Theo ông Đực, thực tế bao nhiêu năm nay nhà ở xã hội rất khó đến tay công nhân lao động có thu nhập nhập thấp, người có nhu cầu nhà ở thật sự, vì nhiều công nhân không chứng minh được thu nhập. Vì thế, chính sách này chỉ mới dừng lại ở cán bộ công nhân viên chức nhà nước, dẫn đến hiện tượng nhà ở xã hội bị trục lợi bán sai đối tượng.

Ông Đực hi vọng trong đợt triển khai xây nhà ở xã hội cho công nhân ở Bình Chánh này, cơ quan chức năng thay đổi góc nhìn về nhà ở cho những người lao động nghèo nhập cư để họ không bị “bỏ quên”.

Điều này chúng ta có thể thấy rõ trong đợt dịch vừa rồi, khi TP.HCM mở cửa, một lượng lớn công nhân rời khỏi thành phố, không phải không có công ăn việc làm mà vì TP.HCM chưa có chính sách an sinh xã hội cho đối tượng công nhân nghèo này. Họ không có nơi ở ổn định, an toàn để yên tâm ở lại.

Ông Đực dẫn chứng, một lượng lớn công nhân ở lại cùng thành phố chống dịch trong những khu nhà trọ nhỏ hẹp, chật chội, tù túng. Một căn phòng trên dưới 20m2 có 5-10 người ở.

Trước khi chưa dịch họ sẽ sống kiểu 5 người di làm, 5 người ở nhà và ngược lại nhưng khi dịch bệnh diễn ra họ phải cùng nhau ở nhà tận 10 người trong một diện tích siêu nhỏ, siêu ngột ngạt. Đó là lý do vì sao ngay khi TP.HCM mở cửa họ bất chấp tất cả để trở về quê.

"Để dự án nhà ở xã hội thuận lợi phát triển, phải chăng chúng ta nên có một ban chỉ đạo riêng về nhà ở xã hội cho người nghèo, có năng lực, đạo đức, toàn tâm toàn lực vì cộng đồng thì mới nghĩ ra được chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cùng đồng hành cùng các sở ban ngành và doanh nghiệp thì mới ra được câu chuyện nhà ở xã hội cho công nhân, chứ không thể để doanh nghiệp tự phát như hiện nay", ông Đực đề xuất.

can-ho-25m2.jpg
Căn hộ 25 m2 như thế này là niềm mơ ước của công nhân. Ảnh minh họa.

Ông Đực dẫn chứng, trước đó nhiều doanh nghiệp đã từng tham gia làm nhà ở xã hội như Đất Lành, Khang Gia, Nam Long, Lê Thành nhưng đến nay còn mấy doanh nghiệp trụ được với dự án khi lợi nhuận thấp, rủi ro về pháp lý.

Tuy nhiên, ông Đực cũng dẫn chứng nhiều doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội hiệu quả như Trần Anh group ở Long An hay Becamex ở Bình Dương.

"Họ làm căn hộ nhỏ với diện tích 20m2 và gác lửng 10m2. Họ áp dụng 50% bán 50% cho thuê với giá tháng 2-3 triệu đồng/m2. Đó mới là sản phẩm thật sự đến tay công nhân nghèo và thu hút người lao động ở các tỉnh về Sài Gòn. Đừng nghĩ đến việc bán nhà cho người lao động nghèo trong hoàn cảnh hiện nay", ông Đực nói.

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM mới đây cho biết, sau đợt dịch COVID-19 lãnh đạo thành phố đã nhận ra nhiều vấn đề, trong đó có việc phải gấp rút xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê, thuê mua, không thể để một căn nhà 20 m2 mà 5 - 6 người ở.

Lãnh đạo này khẳng định, trong vòng 1 năm tới, các doanh nghiệp phải xây dựng 300.000 căn nhà cho công nhân, cho chuyên gia. Hiện nay đất đã có sẵn, thủ tục có sẵn, các doanh nghiệp chỉ cần bắt tay vào làm là có thể tiến hành.

noxh.jpg
TP.HCM đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội. Ảnh: Reatimes

Vẫn xây trên giấy

Dù Nhà nước khuyến khích làm nhà ở xã hội và có nhiều chính sách ưu đãi, song thực tế phân khúc này gần như vắng bóng thị trường mấy năm nay do vướng nhiều điểm nghẽn về thủ tục hành chính khiến thời gian hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án kéo dài.

Điều này gây đội vốn, tăng chí phí, khó kiểm soát giá thành ở mức vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản không mấy mặn mà với dự án nhà ở xã hội.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 – 2019, TP.HCM có 23 dự án nhà ở xã hội phát triển đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng hơn 12.800 căn, trung bình 3.207 căn mỗi năm. Nguồn cung này chỉ chiếm 3,5% tổng lượng nhà ở phát triển mới của TP.HCM.

Nhà ở xã hội thiếu, phân khúc nhà ở bình dân trên địa bàn TP.HCM cũng gần như "mất tích". Tính riêng trong năm 2020, tại TP.HCM, phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Trong khi phân khúc nhà ở cao cấp chiếm tới 70%, phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng 25% tổng nguồn cung nhà ở. Bên cạnh đó,  giá nhà liên tục bị đẩy lên cao.

nha-o-xa-hoi-bnews-vn.jpg
Đến năm 2025, dự kiến TP.HCM sẽ có trên 170.000 căn nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng. Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, TP.HCM dự kiến phát triển mới khoảng 2,13 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 24.000 căn. Hiện, thành phố có 19 dự án trong danh mục nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành từ năm 2021 trở về sau.

Ngoài ra, TP.HCM đang có 65 dự án nhà ở thương mại, trong đó đã xác định quỹ đất 20% (trên 197ha) để thực hiện nhà ở xã hội với hơn 146.000 căn. Như vậy, đến năm 2025, dự kiến sẽ có trên 170.000 căn nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng.

Nhưng theo các chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản, nếu không có chính sách hỗ trợ cụ thể thì câu chuyện thiếu nhà ở xã hội nói chung và cho công nhân nói riêng vẫn chỉ là câu chuyện trên giấy và sẽ tiếp tục bàn từ năm này qua năm khác.

HẢI MY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật