Theo phản ánh của người tiêu dùng, sản phẩm Gel rửa tay khô On1 đang được quảng cáo sai công dụng khiến người tiêu dùng dễ hiểu lầm.
Gel rửa tay khô On1 được sản xuất bởi Chi nhánh Công ty CP Bột giặt Lix tại Bình Dương. Sản phẩm này đã được Sở Y tế Bình Dương cấp giấy xác nhận công bố mỹ phẩm số 017/20/CBMP-BD.
Theo tìm hiểu, sản phẩm Gel rửa tay khô On1 đang được bán rộng rãi trên thị trường qua nhiều kênh khác nhau như: Hệ thống các siêu thị lớn BigC, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Sản phẩm này hầu như lúc nào cũng “cháy” hàng. Sản phẩm này còn được nhiều người bán hàng online giới thiệu là “Gel sát khuẩn”, có thể “tiêu diệt 99,9% vi khuẩn bám trên da tay nhanh chóng”.
Sản phẩm Gel rửa tay khô On1 được bán trên mạng xã hội facebook. |
Theo ghi nhận của PV chiều 21/3, tại các siêu thị hầu như không còn chai Gel rửa tay khô On1 nào. Trước đó, sản phẩm Gel rửa tay khô On1 được bày bán rất nhiều tại các hệ thống siêu thị, trang mạng xã hội, nhà thuốc,... nhưng hiện tại sản phẩm này đã bất ngờ hết hàng.
Tình trạng hết hàng xảy ra đồng loạt nhiều hệ thống siêu thị lớn như BigC, cửa hàng guardian, mạng xã hội, hay các sàn thương mại điện tử... Tại hệ thống siêu thị BigC (trên đường Quang Trung, Gò Vấp, TP.HCM), các kệ hàng trưng bày gel rửa tay không còn On1, thay vào đó là các sản phẩm rửa tay khác như lifebuoy, melia, kleen, green tea,... Đây cũng là tình trạng chung được phóng viên ghi nhận các siêu thị lớn khác như E-mart, Coopmart.
Gel rửa tay khô "cháy hàng" ở hầu hết siêu thị chiều 21/3. |
Gel rửa tay khô tại các siêu thị có mức giá phổ biến từ 25.000-43.000 đồng/chai loại 100ml, loại 150ml có giá từ 61.000-79.000 đồng/chai, riêng các loại lớn hơn từ 500ml-1L là 90.000-259.000 đồng/chai. Còn đối với Gel rửa tay khô On1 lại có mức giá rẻ hơn nhiều, với dung tích 250ml giá là 37.000 đồng/chai, loại 500ml giá 75.000 đồng/chai, tức rẻ hơn từ 15.000 đồng/chai so với các loại khác.
Rất nhiều người vì thấy sản phẩm này được bày bán tại các siêu thị lớn, trên bao bì cũng có để thông tin “Gel sát khuẩn”, có thể tiêu diệt 99,9% vi khuẩn bán trên da tay nhanh chóng nên đã tin dùng.
Tuy nhiên, theo Bà Vũ Thị Thanh Thúy, Phó phòng nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Bình Dương, sản phẩm này có công dụng làm sạch, làm thơm, ghi “dùng làm sạch khuẩn nhanh, vô trùng tay hàng ngày” là sai.
Gel rửa tay khô On1 đang được bán trên thị trường có thực sự làm sạch khuẩn nhanh như công bố? |
Sở Y tế Bình Dương cho biết sản phẩm này có mục đích sử dụng “giúp làm sạch da tay”. Sản phẩm này chưa được Công ty CP Bột giặt Lix xin đăng ký giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Theo ghi nhận, hiện tại sản phẩm này đã được đăng tải và giới thiệu lên website lico.com của công ty.
Việc dùng từ “vô trùng tay hàng ngày” để nói về công dụng của sản phẩm như vậy đã không đúng tính năng công dụng của sản phẩm nhưng phải chăng doanh nghiệp vẫn sử dụng để bán hàng trong lúc dịch bệnh?
Mặc dù nội dung quảng cáo chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, nhưng Sản phẩm Gel rửa tay khô On1 đã được đăng tải, giới thiệu trên Website của CTy CP Bột giặt Lix. |
Theo phiếu kiểm nghiệm Gel rửa tay khô On 1 của Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế Bình Dương (do Công ty CP Bột giặt Lix cung cấp cho phóng viên), hàm lượng Ethanol (cồn y tế) ở 20 độ C với 70,92. Đây là yếu tố quyết định trong vấn đề diệt khuẩn của một sản phẩm gel rửa tay khô. Theo kết quả của phiếu kiểm nghiệm, thì để làm sạch vi khuẩn bạn phải rửa tay, chà xát gel On1 trong vòng...5 phút. Bất hợp lý và bất khả thi! Sẽ không ai có kiên nhẫn rửa tay đến 5 phút. Thời gian lý tưởng để sử dụng sản phẩm loại này, có hiệu quả, theo các chuyên gia, phải chỉ từ 10-60 giây.
Bên cạnh đó, ở phần công dụng, On1 được giới thiệu dùng để làm sạch khuẩn nhanh, vô trùng tay hàng ngày, đặc biệt sau khi tiếp xúc với động vật, sau khi ho, hắt hơi và sau khi đi vệ sinh.
Không hiểu Lix có dụng ý gì khi đề cập đến việc ho và hắt hơi trong phần giới thiệu về công dụng của một sản phẩm gel rửa tay khô trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan?
Theo Công văn số 1906/2012 do Cục quản lý Dược – Bộ Y tế ban hành để phân loại tính năng, công dụng của mỹ phẩm, cụm từ “Diệt Virus” không được chấp nhận trong công bố tính năng, mục đích sử dụng của mỹ phẩm. Vậy cũng có thể nói các loại mỹ phẩm không có công dụng diệt virus nói chung và đặc biệt là virus Corona nói riêng.
Thông tư 06/2011/TT-BYT, “Mỹ phẩm lưu thông có ghi nhãn công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố hoặc không đáp ứng quy định về nghi nhãn sản phẩm của thông tư này, tùy mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi”. Trong Thông tư này cũng quy định, “mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi sai lệch bản chất tính năng vốn có của sản phẩm” thì bị thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm.