Cụ thể, CPI tháng 12/2020 tăng 0,10% so với tháng trước, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng quý IV/2020 tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với năm 2019. Trong đó, CPI khu vực thành thị tăng 2,91%, khu vực nông thôn tăng 3,53% so với năm 2019. Lạm phát cơ bản năm 2020 tăng 2,31% so với năm 2019.
Nguồn: TTXVN |
Thống kê cho thấy, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng tăng giá, 3 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng giá ổn định.
Trong 7 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 2,45% so với tháng trước do giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 26/11, ngày 11/12 và ngày 26/12, trong đó: Giá xăng E5 tăng 1.630 đồng/lít, giá xăng A95 tăng 1.770 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.540 đồng/lít so với tháng trước. Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,15% so với tháng trước do thời tiết rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc nên nhu cầu mua sắm quần áo rét, giầy dép tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng nhẹ.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,13% so với tháng trước do nhu cầu rượu và thuốc lá tiêu dùng trong dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch năm 2021 cũng như chuẩn bị nguồn hàng đón Tết Nguyên đán sắp tới. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12% so với tháng trước do tăng giá dịch vụ cá nhân như: Cắt tóc, gội đầu, uốn tóc.
CPI Việt Nam tăng dưới 4% đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. |
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01% so với tháng trước do thời tiết rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc nên nhu cầu sử dụng các thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa đông tăng; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% chủ yếu tăng giá nhóm thuốc giảm đau và hạ sốt do thời tiết thay đổi thất thường, người dân dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 nhóm hàng giảm giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất, giảm 0,41% so với tháng trước, giảm chủ yếu ở giá thịt heo.
(Tổng hợp)