Chỉ số do FAO cung cấp cho thấy, giá lương thực của thế giới đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 10, tăng 3% so với tháng trước và đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2011.
Giá lương thực tăng cao đã gây khó khăn đối với người nghèo trên khắp thế giới, những người cần phải dành ra một phần lớn hơn thu nhập của mình để lo ăn uống cho bản thân và gia đình.
Giá thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng khác trên toàn cầu đã tăng vọt trong năm nay khi các quốc gia hủy bỏ các hạn chế COVID-19, gây ra tình trạng thiếu hụt và gián đoạn nguồn cung.
Sản lượng lương thực giảm và giá năng lượng tăng gần đây cũng là nguyên nhân dẫn đến lạm phát giá lương thực.
Mức tăng trong tháng 10 của Chỉ số giá thực phẩm FAO cho thấy dầu thực vật dẫn đầu, với mức tăng 9,6% trong tháng 10 so với tháng trước - mức cao mới mọi thời đại.
Giá ngũ cốc cũng tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 22,4% so với một năm trước.
Trong nhóm ngũ cốc, giá lúa mì đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2012. Giá ngô và gạo cũng tăng trong tháng 10.
Sự suy giảm nguồn cung toàn cầu đã làm cho giá sữa tăng trong tháng thứ hai liên tiếp do “người mua nỗ lực đảm bảo nguồn cung để tích trữ”, FAO cho biết.
Tuy nhiên FAO ghi nhận giá thịt giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, dẫn đầu là giá thịt heo do Trung Quốc giảm mua và giá thịt bò giảm do lo ngại dịch bệnh bò điên xung quanh nguồn cung Brazil.
Giá đường cũng giảm 1,8% trong tháng 10 so với tháng trước - mức giảm đầu tiên sau 6 tháng tăng giá liên tiếp.