Tại các thành phố từ Austin (Hoa Kỳ), Dublin (Ireland) đến Seoul (Hàn Quốc), ngày càng nhiều gia đình không thể mua được nhà vì sự bùng nổ bất động sản toàn cầu.
Công ty bất động sản Ray White cho biết, giá nhà ở Sydney (Úc) tăng gần 870 USD/ngày trong quý II năm nay. Trong khi đó ở Anh, những người mua nhà lần đầu phải chi trả số tiền cao hơn 32% so với một năm trước, theo Benham và Reeves, một cơ quan bất động sản.
Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng, khi ngày càng nhiều người gặp khó khăn trong việc thuê nhà, hoặc vay nhiều hơn khả năng chi trả, điều này sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng ở các thành phố lớn mà có thể sẽ mất nhiều năm để giải tỏa, thêm vào đó là sự phân cực chính trị.
Bên cạnh đó, nhiều người mua nhà lần đầu sẽ phản ứng gay gắt hơn và những người ủng hộ nhà ở giá rẻ buộc các chính phủ phải hành động tích cực.
Người mua phàn nàn, người bán hưởng lợi
Hôm 26/9 tại Berlin (Đức), các cử tri đã ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý không ràng buộc để quốc hữu hóa các tập đoàn bất động sản lớn với hơn 3.000 căn hộ.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đang cảnh giác với việc có quá nhiều hành động kiểm soát giá cả. Họ lo ngại rằng điều này sẽ gây hại cho các chủ sở hữu hiện tại, những người được hưởng lợi từ việc giá nhà tăng cao.
Hơn nữa, họ không muốn làm suy yếu sự phục hồi kinh tế, đang được thúc đẩy một phần bởi niềm tin của những người sở hữu nhà và các tài sản khác.
Tăng giá cũng là một lợi ích cho nhiều gia đình. Giá trị nhà tăng thường thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn cho đồ nội thất và các hàng hóa khác, mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế.
Các sự kiện gần đây ở Trung Quốc là một lời nhắc nhở về những khó khăn khi muốn chế ngự thị trường. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng chi phí nhà ở tăng cao có thể gây ra bất ổn và thêm rủi ro cho hệ thống tài chính, nên đã hạn chế tăng giá và kiềm chế vay nợ.
Giờ đây, Evergrande Group, một nhà phát triển bất động sản hàng đầu ở Trung Quốc, đang trên bờ vực sụp đổ. Doanh số bán nhà giảm khiến những lo ngại về thiệt hại kinh tế lan rộng.
"Bất kỳ ai sở hữu một ngôi nhà trong 7 hoặc 8 năm qua đều là triệu phú"
Mặt khác, các vấn đề về khả năng chi trả không được quan tâm nhiều trong các nền kinh tế. Sự kết hợp giữa lãi suất thấp, kích thích thời đại dịch và những thay đổi trong cách mua hàng khi mọi người làm việc từ xa đang đẩy giá lên cao hơn.
Điều này đã thúc đẩy nhiều sự phàn nàn từ người mua trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và một số khu vực của châu Á. Trong khi đó, các nhà lập pháp Úc gần đây đã mở một cuộc điều tra về khả năng chi trả cho nhà ở.
Tại Canada, New Zealand và Na Uy, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập, thước đo khả năng chi trả cho nhà ở, đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Ở những nơi khác, như Mỹ và Pháp, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập cũng đang tăng lên.
Ben Hickey, CEO tại công ty môi giới thế chấp HomeBoost Mortgages NZ, cho biết: “Ở Auckland (New Zealand), bất kỳ ai sở hữu một ngôi nhà trong 7 hoặc 8 năm qua đều là triệu phú".
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quyền sở hữu nhà là chìa khóa để xây dựng sự giàu có. Các vấn đề về khả năng chi trả cho thể khiến một số gia đình phải thay đổi nơi làm việc và ảnh hưởng đến cơ hội giáo dục cho con cái của họ.
Boris Cournède, nhà kinh tế cấp cao của OECD, cho biết: “Chúng tôi lo lắng về khả năng chi trả của nhiều hộ gia đình trước làn sóng tăng giá nhà vừa qua. Làn sóng này thực sự rất lớn".
Tại Mỹ, chính quyền Biden đang nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng nhà mới. Trong khi đó, chính phủ Canada cam kết chi hàng tỷ USD để xây dựng 100.000 ngôi nhà mới cho các gia đình trung lưu ở thành thị. Các thành phố của Hà Lan sẽ sớm phân chia các khu vực lân cận, nơi các nhà đầu tư không còn được phép mua và thuê nhà rẻ hơn.
Một số chính phủ có cách tiếp cận khác, gọi là công cụ bảo mật vĩ mô, như giới hạn giá trị của các khoản vay thế chấp, hỗ trợ tài chính cho những người mua nhà lần đầu...
Một số quốc gia khác thì tìm cách hạn chế các nhà đầu tư mua nhiều bất động sản hoặc hạn chế ảnh hưởng của người mua nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách cho biết những công cụ như vậy có thể gây tốn kém nhưng lại không có tác dụng gì trong việc kìm hãm giá giữa làn sóng kiếm tiền dễ dàng.
Theo đó, một số chương trình thúc đẩy quyền sở hữu nhà đã khuyến khích người mua nhà chấp nhận những rủi ro không cần thiết và có thể gây hại cho họ sau này, đặc biệt nếu giá nhà giảm.
Những nỗ lực khác, như thay đổi các quy định sử dụng đất để xây dựng nhà ở mật độ cao hơn trong các khu dân cư mong muốn, có thể gây tranh cãi về mặt chính trị, vì các chủ nhà thường phản đối những phát triển làm giảm giá trị ngôi nhà của họ.
Một số nhà kinh tế cho rằng tốt nhất là để thị trường yên, và giá sẽ chững lại. Có những dấu hiệu cho thấy điều này có thể đang xảy ra ở Mỹ, nơi doanh số bán nhà hiện có đã giảm 2% trong tháng 8 so với tháng 7, một phần do giá cao đang bóp chết một số người mua.
Tuy nhiên, giá dự kiến sẽ không giảm đáng kể. Lãi suất tăng trong năm tới có thể làm cho các khoản thế chấp đắt hơn.
Làm thế nào để cân bằng giá nhà mà không ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế?
Mặt khác, nhiều người vẫn đang chờ đợi những quyết sách từ ngân hàng trung ương, vốn giữ lãi suất ở mức thấp trong thời kỳ đại dịch để thúc đẩy nền kinh tế. Nhiều ngân hàng trung ương muốn tránh sử dụng lãi suất để giải quyết chi phí nhà ở. Vì nếu làm như vậy thì có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và dẫn đến ít việc làm hơn, cũng như mức lương thấp hơn.
Cụ thể, ngân hàng trung ương của Úc đã chống lại việc tăng lãi suất mặc dù giá nhà tăng cao.
Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho biết: “Mục tiêu chính của các ngân hàng trung ương là tính toàn vẹn của tiền và kiểm soát lạm phát".
Gần đây, Hàn Quốc đã nâng lãi suất chuẩn, khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng về giá bất động sản. Đầu năm nay, chính phủ New Zealand đã chỉ đạo ngân hàng trung ương xem xét giá nhà ở trong các quyết định chính sách tiền tệ.
Hôm 23/9, ngân hàng trung ương Na Uy cũng tăng lãi suất chuẩn lên 0,25% và báo hiệu nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới. Các hành động này nhằm chống lại sự mất cân bằng tài chính bằng cách kiềm chế lạm phát giá nhà và tăng trưởng tín dụng.
Thống đốc ngân hàng trung ương Na Uy, ông Oystein Olsen, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, ông đã rất ngạc nhiên trước tốc độ tăng giá nhà trong thời kỳ đại dịch, mặc dù việc cắt giảm lãi suất được cho là sẽ thúc đẩy giá tài sản.
Klaas Knot, thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan, cho biết giá nhà cao hơn đang tạo ra những vấn đề lớn, đặc biệt là ở các thế hệ trẻ và có khả năng dẫn đến bất bình đẳng giàu nghèo giữa các thế hệ nhiều hơn.
Theo Oxford Economics, mức tăng giá nhà hàng năm ở Hà Lan có thể đạt đỉnh khoảng 15% vào cuối năm nay. Nhà môi giới bất động sản Jerry Wijnen cho biết, tại Amsterdam, các đại lý đang nhận được tới 10 lời đề nghị cho mỗi bất động sản.
Giá nhà ở Canada đã tăng hơn 21% so với một năm trước, theo dữ liệu tháng 8 từ Hiệp hội Bất động sản Canada. Cuộc thăm dò cho thấy khả năng chi trả nhà ở là mối quan tâm hàng đầu của cử tri trong cuộc bầu cử gần đây.
Tại Adelaide, thành phố lớn thứ 5 của Úc, Jo Alldis, 47 tuổi, làm việc trong các dịch vụ về người khuyết tật cho một cơ quan chính phủ, và người bạn đời của cô bắt đầu tìm kiếm một ngôi nhà vào đầu năm nay. Cô cho biết, cả hai vợ chồng có thể mua một căn nhà sớm hơn nhưng họ quyết định chờ đợi để tiết kiệm thêm tiền.
Sau đó, giá nhà bắt đầu tăng cao. Với khoản tiền 360.000 USD, cô Alldis và chồng nhắm đến 5 bất động sản nhưng tất cả chúng đều bị hét giá lên cao hơn.
Và giờ, cô Alldis quyết định đợi thêm một năm nữa với hy vọng giá nhà sẽ giảm. Cô và chồng đã chuyển đến một căn nhà cho thuê mới đắt hơn vì giá thuê nhà cũng tăng lên.
"Điều đau lòng là, khi chúng tôi đã sẵn sàng để mua nhà thì mọi thứ thay đổi", cô nói. "Vợ chồng tôi đều có thu nhập khá, nhưng dù vậy, việc cố gắng kiếm một ngôi nhà tử tế bây giờ thực sự là điều khó khăn đối với chúng tôi".