Mở cửa phiên giao dịch ngày 7/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mức 68,9 – 70,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), sau đó chỉ vài phút giá vàng tiếp tục tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, hiện ở mức 69,4 – 70,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Như vậy chỉ sau một đêm, giá vàng tiếp tục tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Sau khi tăng sốc liên tục, trang website của SJC rơi vào tình trạng không thể truy cập được.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC đang là 69 – 70,5 triệu đồng/lượng, cũng tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch chiều ngày 6/3. Riêng Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) có mức tăng nhẹ hơn khoảng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện ở mốc 67,5 – 69,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Hà Nội, vào lúc 8h36, ghi nhận tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý cho thấy, giá vàng SJC tăng 600 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 500 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 68,6 - 69,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68 - 69,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối phiên hôm qua.
Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,6 - 69,6 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 850 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó giá vàng trên thị trường châu Á cũng tăng lên 2.000,86 USD/ounce - mức cao nhất kể từ tháng 9/2020, khi các nhà đầu tư chuyển sang loại hàng hóa trú ẩn an toàn này lo ngại về tác động của cuộc chiến Ukraina đối với nền kinh tế toàn cầu.
Giá vàng thế giới tăng vọt vì lo Mỹ cấm nhập khẩu dầu Nga. Ngày 6/3 vừa qua, xuất hiện thông tin Nga sẽ tạm dừng đường ống Yamal-Europe nguồn cung cấp khí đốt sang hướng Tây. Động thái này sẽ khiến châu Âu, đặc biệt là Đức, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng thay thế. Sự gián đoạn với thị trường năng lượng trên quy mô lớn sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng tương đương khủng hoảng dầu mỏ năm 1970, đẩy lạm phát sẽ còn tăng cao nữa từ cuộc khủng hoảng này.
Sau động thái của Nga, Mỹ và các đối tác châu Âu cho biết đang xem xét việc cấp nhập khẩu dầu Nga. Nếu lệnh cấm này được áp dụng sẽ làm tăng bất ổn thị trường, các nhà buôn, hãng vận chuyển, bảo hiểm và ngân hàng đều đang lo ngại việc kinh doanh hoặc hỗ trợ vốn để mua dầu Nga. Không chỉ giá vàng tăng mà giá dầu thô cũng tăng vọt, hiện có mức 139 USD/thùng.