Sau hơn 1 tuần đi ngang, tích lũy trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp, VN-Index dường như đã thoát khỏi xu thế này để lên chinh phục lại đỉnh lịch sử 1.500 điểm trong phiên sáng nay.
Nếu chỉ nhìn vào đồ thị VN-Index và diễn biến chung của thị trường sẽ có cảm giác nhàm chán, bởi VN-Index chỉ đi ngang trong biên độ hẹp 1.468 - 1.480 điểm với thanh khoản thấp hơn nhiều với trước đó. Tuy nhiên, nếu ai bám bảng điện tử sẽ có cảm nhận hoàn toàn khác..
Trong khi các mã lớn luôn phiên nhau được sử dụng để kéo, đẩy thị trường, khiến VN-Index không thể bứt qua được vùng cản 1.480 điểm và cũng giữ cho chỉ số này không xuống dưới đường MA20, thì các mã cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính thị trường lại rất sôi động, thu hút dòng tiền đầu cơ ngắn hạn.
Trong đó, nhóm bất động sản vẫn là nhóm có nhiều điểm nóng nhất với những cái tên như QCG, HAR, LDG… và gần đây nhất là nhóm FLC.
Trong nhóm FLC, ROS đang nổi lên là điểm nóng nhất khi tăng gần 60% sau 2 tuần. Đặc biệt, sau phiên điều chỉnh nghỉ ngơi 17/12, ROS đã giữ mạch tăng trần 2 phiên liên tiếp và tiếp tục có sắc tím trong phiên giao dịch sáng nay khi tâm lý FOMO đang kích thích nhà đầu tư ồ ạt xuống tiền, giúp ROS không chỉ tăng mạnh về giá, mà còn có thanh khoản rất tốt, trên dưới 50 triệu đơn vị/phiên.
Trong khi đó, dù không có sắc tím như ROS, nhưng FLC, AMD, HAI, hay KLF, ART trên HNX cũng liên tục có sắc xanh và đều đã vượt hết ra ngoài dải bollinger vốn đang ở rộng lên trên.
Không chỉ nhóm FLC, dòng tiền cũng chảy mạnh vào các mã có tính thị trường khác trong nhóm bất động sản như LDG, SGR, HAR, ITA, SGT, HQC, VCG, SCR, hay các điểm nóng mới như “gia đình Hoàng Huy” TCH, HHS; JVC; ASM…
Về diễn biến của thị trường, sau khi nhận thấy dòng tiền lớn nhập cuộc kéo VN-Index lên vùng kháng cự mạnh 1.488 điểm, nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đã tranh thủ ra hàng, chủ yếu trong nhóm VN30, đẩy VN-Index quay đầu đi xuống, nhưng vẫn giữ được sắc xanh nhờ các cổ phiếu trụ VIC, GVR, VCB.
Việc không nhận được sự ủng hộ của các mã trong nhóm VN30 khiến VN-Index rất khó để bứt lên chinh phục đỉnh cũ, dù việc giảm mạnh cũng khó xảy ra khi các mã trụ được sử dụng để giữ nhịp.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 4,89 điểm (+0,33%), lên 1.483,63 điểm với 234 mã tăng (22 mã trần) và 230 mã giảm (không có mã nào giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 611,5 triệu đơn vị, giá trị 19.322,4 tỷ đồng, tăng 14,7% về khối lượng và 18,9% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,1 triệu đơn vị, giá trị 960,6 tỷ đồng.
Các mã nóng bất động sản vẫn là các mã có thanh khoản tốt nhất, cũng như tăng giá mạnh nhất. Trong đó, ROS dù có rung lắc do áp lực chốt lời, nhưng vẫn đóng cửa ở mức trần 12.850 đồng, khớp 28,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần. ITA dù không giữ được sắc tím, nhưng cũng đóng cửa tăng mạnh 6,1% lên 18.150 đồng, khớp 19,5 triệu đơn vị, đứng sau ROS.
HQC tăng 4,7% lên 9.000 đồng, khớp 17 triệu đơn vị, FLC tăng 3,9% lên 18.700 đồng, khớp 16,9 triệu đơn vị. LDG tăng trần lên 19.800 đồng, khớp 11,1 triệu đơn vị, hay DLG tăng trần lên 9.060 đồng, khớp 16 triệu đơn vị.
Ngoài ra còn có POW tăng 2,1% lên 19.100 đồng, khớp 14,3 triệu đơn vị; VCG tăng 2,7% lên 51.100 đồng, khớp 13,4 triệu đơn vị; HAG tăng 5,1% lên 14.300 đồng, khớp 12,7 triệu đơn vị.
Các mã khác có sắc tím là TCH tăng trần lên 28.200 đồng, khớp 9,5 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới hơn 3 triệu đơn vị. Tương tự, HHS cũng tăng trần lên 11.800 đồng, khớp hơn 7,7 triệu đơn vị và cũng còn dưa mua giá trần gần 1 triệu đơn vị. ASM cũng đóng cửa ở mức trần 22.700 đồng, khớp gần 7 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần hơn 770.000 đơn vị. Trong khi đó, người anh em, IDI lại giảm 1,7% xuống 14.750 đồng, khớp 4,4 triệu đơn vị.
Trong các mã lớn VIC tăng 1,3% lên 99.400 đồng, đóng góp hơn 1,2 điểm cho VN-Index. GVR là mã tăng mạnh nhất nhóm VN30 với mức tăng 3,6% lên 39.050 đồng, khớp 4,43 triệu đơn vị và đóng góp 1,4 điểm cho VN-Index, mức lớn nhất. Ngoài ra, KDH tăng 3,6% lên 52.000 đồng, khớp 2,85 triệu đơn vị. GAS và MWG tăng 1,4% lên 95.300 đồng và 134.800 đồng.VCB cũng đóng góp tích cực cho thị trường sáng nay với mức tăng 1% lên 77.400 đồng.
Trong khi đó, HDB lại lã mã giảm mạnh nhất VN30 với mức giảm 2,55% xuống 28.650 đồng, khớp 4,56 triệu đơn vị. SSI giảm 1,7% xuống 51.600 đồng, khớp gần 12 triệu đơn vị.
Trong nhóm ngân hàng, ngoài VCB, chỉ có thêm MSB, EIB và LPB tăng giá, nhưng mức tăng không mạnh, trong khi chiều giảm ngoài HDB, còn có nhiều mã khác. Trong đó, giảm mạnh nhất nhóm là VIB giảm 2,61% xuống 42.950 đồng. SHB giảm 2,33% xuống 21.00 đồng, BID giảm 1,03% xuống 43.350 đồng…
Trong khi nhóm bất động sản vẫn khởi sắc, thì nhóm thép chưa thể trở lại thời hoàng kim khi vẫn đang điều chỉnh. Nhóm chứng khoán cũng chỉ có 1 điểm sáng chói là TVS tăng trần lên 60.900 đồng, cùng HCM tăng nhẹ, còn lại chìm trong sắc đỏ.
Trên HNX, sau khi tăng mạnh lúc mở cửa, HNX-Index nhanh chóng giảm trở lại dưới tham chiếu và giằng co nhẹ quanh tham chiếu trước khi đóng cửa với sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,35 điểm (+0,3%), lên 456,37 điểm với 104 mã tăng (12 mã trần) và 112 mã giảm (3 mã sàn là SDN, KTT và BDB). Tổng khối lượng giao dịch đạt 84 triệu đơn vị, giá trị 2.450 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,6 triệu đơn vị, giá trị 134 tỷ đồng.
Cũng như các anh em họ FLC của mình trên HOSE, KLF cũng là mã có sức hút mạnh nhất với dòng tiền sáng nay trên HNX với thanh khoản đứng đầu sàn với 6,54 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,4% lên 8.600 đồng. ART cũng tăng 2,6% lên 15.500 đồng, khớp 3,75 triệu đơn vị.
Trong khi đó, CEO chịu áp lực chốt lời nên không giữ được sắc tím, đóng cửa tăng 9,4% lên 67.400 đồng, khớp 6,48 triệu đơn vị. LIG vẫn giữ sắc tím 20.100 đồng, khớp 4,55 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa, ngoài CEO có biên độ vượt trội, còn lại phân hóa với mức biến động nhỏ, chủ yếu trên dưới 0,5%.
UPCoM cũng vọt tăng đầu phiên, nhưng sau đó nhanh chóng quay đầu giảm và không thể trở lại được trên tham chiếu như HNX-Index.
Đóng cửa phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,16%), xuống 111,19 điểm với 147 mã tăng và 150 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,3 triệu đơn vị, giá trị 1.330 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,9 triệu đơn vị, giá trị 258,7 tỷ đồng.
HHV là mã có thanh khoản nhất 4,3 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường, đóng cửa tăng nhẹ 0,4% lên 25.600 đồng. BSR đóng cửa tham chiếu 21.900 đồng, khớp 3,62 triệu đơn vị. VGT lại giảm 0,7% xuống 27.800 đồng, khớp 3,08 triệu đơn vị.