Lô hàng này đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại và được giao tận tay bà con kiều bào tại Đức, Cộng hòa Czech.
Theo Bộ Công thương, đây là lần đầu tiên nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình “TMĐT xuyên biên giới” trên nền tảng TMĐT do Việt Nam phát triển và vận hành. Chương trình hợp tác giữa Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương với Sàn TMĐT Vỏ Sò và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) để từng bước phát triển ứng dụng TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Với mô hình người tiêu dùng nước ngoài đặt hàng trên Vỏ Sò Global, trực tiếp thanh toán đơn hàng thông qua hệ thống thanh toán quốc tế được kết nối với sàn TMĐT Vỏ Sò, sàn TMĐT này sẽ gom đơn vải thiều được thu hoạch tại Việt Nam và vận chuyển bằng đường hàng không sang Đức thông qua các đối tác vận tải của Viettel Post tại Đức để giao tới tận nhà người tiêu dùng châu Âu trong một phạm vi nhất định.
Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP của Lục Ngạn, Bắc Giang đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và tại Châu Âu, được dán tem truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng qua ứng dụng được cung cấp bởi Công ty CP Icheck Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, để thông luồng xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới, Bộ Công thương đã giao Cục TMĐT và Kinh tế số chủ trì, phối hợp cùng sàn TMĐT Vỏ Sò, cùng các Bộ ngành liên quan để hỗ trợ hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục kiểm dịch và kiểm định chất lượng cho hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của nước sở tại.
Hiện, các bên đang tiếp tục phối hợp để hoàn thiện quy trình cũng như nỗ lực mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng châu Âu khi thưởng thức trái vải thiều tươi ngon của Việt Nam.
Bộ Công thương nhìn nhận TMĐT xuyên biên giới có thể sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực.
Với lợi thế của TMĐT là có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, phạm vi nhóm hàng, sản phẩm, đối tượng bán hàng được mở rộng hơn trước.
Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng TMĐT xuyên biên giới.