Evergrande (HK: 3333), một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc và thế giới, đang phải vật lộn để trả lãi cho các khoản nợ của mình.
Khoản nợ mà gã khổng lồ này phải trả có trị giá hơn 300 tỷ USD và cũng chính vì khoản nợ này quá lớn mà nó làm dấy lên những lo ngại trên thị trường tài chính. Và hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong thời điểm này là: Liệu Evergrande có trở thành Lehman Brothers của Trung Quốc hay không? Và liệu rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ hay chí ít cũng sẽ bị trì trệ hay không? Và đặc biệt là, Evergrande có thể làm cho vàng trở thành “kẻ thống trị” hay không?
Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên là “không”.
Việc Evergrande vỡ nợ có lẽ sẽ không gây ra sự lây lan toàn cầu theo cách mà Lehman Brothers đã từng gặp phải trong quá khứ.
Tại sao?
Trước hết, Lehman Brothers sụp đổ vì bị cuốn vào dòng chứng khoán repo, tức là nó đã đi vay tiền mua chứng khoán của chính mình và dùng chứng khoán để thế chấp dẫn đến việc khủng hoảng thanh khoản.
Sau đó, Lehman Brothers đã cố gắng bán tài sản của mình và điều này đã làm giảm giá của nhiều loại tài sản tài chính, khiến các tổ chức cho Lehman Brothers vay khác gặp rắc rối.
Không giống như Lehman Brothers, Evergrande không phải là một ngân hàng đầu tư, mà là một nhà phát triển bất động sản.
Nó không có nhiều tài sản tài chính và nó không phải là “thủ lĩnh” trong thị trường repo. Sự tiếp xúc của các tổ chức tài chính toàn cầu đối với Evergrande nhỏ hơn nhiều. Hơn nữa, hiện vẫn chưa xuất hiện tình trạng đóng băng tín dụng, cũng như làn sóng bán tháo trên hầu hết các loại tài sản như đã từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
Vụ phá sản của Lehman Brothers cuối cùng có lợi cho vàng nhưng việc xảy ra tại Evergrande có thể không gây ra những rủi ro tương tự đối với nền kinh tế toàn cầu và có thể gây thất vọng đối với những người đầu loại kim loại quý này.
Trường hợp của Evergrande cho thấy những vấn đề sâu sắc và mang tính cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc, đó là sự phụ thuộc quá nhiều vào nợ và lĩnh vực bất động sản. Như biểu đồ dưới đây cho thấy, nợ của khu vực phi tài chính tư nhân đã tăng từ khoảng 145% GDP sau cuộc Đại suy thoái lên 220% trong quý đầu tiên của năm 2021.
Vì vậy, Trung Quốc đã phải trải qua một đợt gia tăng nợ lớn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đạt mức cao hơn nhiều so với trường hợp của các nền kinh tế khác. Nợ gia tăng cho phép Trung Quốc tiếp tục mở rộng kinh tế, nhưng các câu hỏi đặt ra về chất lượng và tính bền vững của sự tăng trưởng đó.
Vấn đề với Evergrande là nó không phải là một giai thoại, mà là một triệu chứng của một mô hình dựa trên tăng trưởng đòn bẩy và tìm cách tăng GDP bằng bất cứ giá nào với những thành phố ma, cơ sở hạ tầng không sử dụng và công trình bị bỏ hoang.
Daniel Lacalle - nhà kinh tế học người Tây Ban Nha
Thật vậy, mức độ và tốc độ tăng nợ tư nhân của Trung Quốc tương tự như các quốc gia đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính, chẳng hạn như Nhật Bản, Thái Lan hoặc Tây Ban Nha. Nhưng tầm quan trọng của lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cao hơn nhiều. Lĩnh vực bất động sản chiếm gần 30% GDP của Trung Quốc.
Mặt khác, Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm khá cao, trong khi nợ chủ yếu mang tính chất trong nước. Mối quan hệ tài chính của Trung Quốc với thế giới không mạnh mẽ lắm, điều này hạn chế rủi ro lây lan.
Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận vấn đề nợ quá mức trong khu vực tư nhân và cách đây vài năm, nó đã bắt đầu thực hiện một số nỗ lực để kiềm chế. Các vấn đề của Evergrande thực sự có thể được coi là kết quả của những nỗ lực để trung hòa những vấn đề này.
Liệu rằng nền kinh tế Trung Quốc có sớm sụp đổ hay không?
Không, nhưng tốc độ tăng trưởng của nước này có thể sẽ chậm lại. Mô hình tăng trưởng dựa trên nợ và đầu tư (chủ yếu vào bất động sản) rõ ràng đã đạt đến giới hạn. Nói cách khác, sự bùng nổ bất động sản phải kết thúc.
Các chuyên gia ước tính rằng, “hoạt động bất động sản giảm 20% có thể dẫn đến GDP giảm 5-10%”.
Sự suy giảm tăng trưởng và những điều chỉnh không thể không thực hiện trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ có những tác động đáng kể lên nền kinh tế toàn cầu, vì - theo một số nghiên cứu - lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc hiện là lĩnh vực quan trọng tác động đến GDP toàn cầu.
Đặc biệt, giá các mặt hàng được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng có thể giảm và các nước xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng. Do Trung Quốc là động lực của tăng trưởng toàn cầu trong nhiều năm nên nước này tăng trưởng chậm lại có thể lạm phát toàn cầu sẽ cao hơn.
Repo chứng khoán là giao dịch mua hoặc bán lại chứng khoán có kỳ hạn được sử dụng trên thị trường tài chính. Đây là loại hình giao dịch mà nhà đầu tư có thể mua và bán chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu…) của chính mình trong một khoảng thời gian thỏa thuận nhất định với công ty chứng khoán. Hiểu một cách đơn giản, giao dịch repo là việc nhà đầu tư đi vay tiền và dùng chứng khoán để thế chấp.
Cuối cùng, những vấn đề của lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với thị trường vàng? Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, không quá nhiều. Vàng có khả năng tiếp tục chịu áp lực giảm do triển vọng chu kỳ thắt chặt của Fed.
Tuy nhiên, nếu các vấn đề của Evergrande lan sang nhiều lĩnh vực khác, ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc hoặc (muộn hơn một chút) thậm chí là nền kinh tế toàn cầu, thì tình hình có thể thay đổi.
Các nhà phát triển của Trung Quốc khác như Fantasia hay Sinic cũng gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ, do các nhà đầu tư không sẵn sàng tài trợ cho các đợt phát hành trái phiếu mới.
Trong một kịch bản như vậy, nhu cầu đối với vàng như là một tài sản trú ẩn an toàn có thể tăng lên, mặc dù các nhà đầu tư phải nhớ rằng, cơn sốt ban đầu có thể là tiền mặt (USD) hơn là vàng. Trừ khi các vấn đề của Trung Quốc gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ, việc đồng bạc xanh tăng giá có thể sẽ đối trọng với lợi ích thu được từ dòng vốn trú ẩn an toàn vào vàng.
Cho đến nay, thị trường tài chính vẫn tương đối không bị xáo trộn bởi vụ Evergrande. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến sắp tới trong nền kinh tế Trung Quốc và những tác động có thể có nó đối với vàng.
Lehman Brothers được thành lập năm 1850 bởi ba anh em Henry, Emanuel và Mayer Lehman, là một tập đoàn chứng khoán và tập đoàn ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Hoa Kỳ.
Lĩnh vực chính của tập đoàn là ngân hàng đầu tư, buôn bán cổ phiếu và trái phiếu, nghiên cứu thị trường, quản lý đầu tư, và ngân hàng tư nhân. Tập đoàn đặt trụ sở chính ở Thành phố New York, và hai trụ sở khác ở London và Tokyo, cũng như nhiều văn phòng đại diện khắp thế giới.Ngày 15 /9/ 2008, tập đoàn tuyên bố phá sản với khoản nợ 613 tỷ USD sau khi không có công ty nào chấp nhận mua lại. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.