Đại hội đồng cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam ( Techcombank ) diễn ra sáng nay, 20/6, đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận năm 2020 hầu như không thay đổi so với kết quả đạt được năm 2019.
Ban lãnh đạo Techcombank cũng trả lời nhiều chất vấn của cổ đông về các tệp khách hàng lớn, hay dư nợ ngân hàng tập trung nhiều vào cho vay bất động sản, dự báo sẽ nhiều rủi ro trong năm nay do tác động của đại dịch COVID-19.
Techcombank dè dặt với mục tiêu lợi nhuận năm 2020, muốn đạt con số tương đương năm 2019, với 13.000 tỷ đồng. Ảnh: TCB. |
Lợi nhuận chỉ tăng trưởng 1%
Năm 2020, HĐQT Techcombank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng 13% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép, đạt khoảng 291.586 tỉ đồng. Huy động vốn tăng 13%, đạt 268.820 tỉ đồng. Tổng tài sản tăng khoảng 12%, đạt 431.483 tỉ đồng.
Về lợi nhuận, ngân hàng chỉ lên kế hoạch dè dặt, với tăng trưởng 1% so với kết quả thực hiện năm 2019, tức đạt khoảng 13.000 tỉ đồng.
Năm 2019, Techcombank là ngân hàng thương mại tư nhân có lợi nhuận cao nhất hệ thống, đạt đến 12.838 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2018 và vượt gần 10% kế hoạch năm.
Kết thúc quý I/2020, tình hình kinh doanh của Techcombank cũng rất khả quan trong bối cảnh chung ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các nhà băng lớn đều bị giảm lợi nhuận.
Cụ thể, dù tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp gần 5 lần so với cùng kì năm ngoái, nhưng lợi nhuận trước thuế Techcombank vẫn tăng trưởng gần 20%, đạt 3.121 tỉ đồng. Với kết quả này, Techcombank chỉ đứng sau Vietcombank trên bảng xếp hạng lợi nhuận 3 tháng đầu năm, vượt mặt cả VietinBank và BIDV.
Do đó, một số cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng khi đưa ra mục tiêu lợi nhuận cả năm 2020 chỉ tăng trưởng 1%.
Trả lời cổ đông, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh nhận định chỉ tiêu lợi nhuận năm nay là thận trọng. HĐQT quyết định tăng trưởng an toàn hơn, tập trung vào thanh khoản, hỗ trợ khách hàng do những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Ngân hàng phải dự trù nhiều khách hàng không trả được lãi, giảm lãi suất cũng sẽ khiến biên lợi nhuận giảm.
Tuy nhiên, ông Hồ Hùng Anh cũng trấn an rằng nếu tình hình thuận lợi, như kinh tế trong nước và thế giới phục hồi nhanh, thì kế hoạch kinh doanh có thể thay đổi trong hai quý cuối cùng của năm, đạt được mức cao hơn so với mục tiêu đã đặt ra.
Tập trung vào ngân hàng số, chuyển trọng tâm từ ngân hàng bán buôn sang bán lẻ
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng cho biết năm 2020 là năm cuối cùng trong chiến lược 5 năm, ngân hàng đang ở giai đoạn 2 để xây dựng nền tảng và hạ tầng, nhằm xây dựng động lực tăng trưởng.
Theo ông, giai đoạn 2016-2020, Techcombank đã bứt phá lên nhóm dẫn đầu trong các ngân hàng cổ phần. Những chiến lược tiếp theo cũng sẽ đưa Techcombank tiếp tục vươn lên, là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Để đạt được các chỉ tiêu trước mắt đề ra cho năm 2020, ban lãnh đạo cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình ngân hàng số, để mở rộng khả năng đáp ứng nhu cầu và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Đặc biệt, ngân hàng sẽ nâng cao năng lực đội ngũ để tư vấn chuyên sâu giải pháp tài chính cho khách hàng thông qua việc phát triển các trung tâm Priority, hay đào tạo năng lực tư vấn giải pháp bảo hiểm nhân thọ.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, dự kiến năm nay, nhà băng này sẽ đưa vào vận hành hệ thống iGTS để mang lại nhiều tiện ích.
Về quản trị rủi ro và vận hành, Techcombank sẽ triển khai thay đổi cấu trúc dư nợ khi chuyển trọng tâm tăng trưởng từ khối ngân hàng bán buôn sang khối ngân hàng bán lẻ, để đa dạng hoá bảng cân đối, tăng biên lợi nhuận (NIM) và tăng tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II.
Đặc biệt, về các nhóm khách hàng, Techcombank cho biết sẽ tiếp tục mở rộng theo mô hình hệ sinh thái cho chuỗi giá trị hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi giá trị nhà ở (ReCoM).
Trong chuỗi giá trị bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng (ReCoM), Techcombank sẽ tiếp tục tập trung vào các phân khúc ít rủi ro như người mua nhà ở, các giai đoạn bán và giao hàng của dự án, trong khi với giai đoạn xây dựng thì tập trung cho vay nhà thầu để phân tán rủi ro.
Chủ tịch Hồ Hùng Anh nói về dư nợ trong bất động sản
Tuy nhiên, các tệp khách hàng lớn như Vietnam Airlines, Vingroup… hay dư nợ phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản, cũng khiến nhiều cổ đông Techcombank lo ngại, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thị trường.
Ông Hồ Hùng Anh cho rằng hàng không, dệt may, du lịch... là những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất, nhưng khách hàng nhóm này của Techcombank không nhiều. Phương châm của ngân hàng là chỉ chọn một số khách hàng tốt, như trong lĩnh vực vui chơi giải trí, Sun Group và Vingroup đã chiếm 70% thị phần. Khách hàng lớn Vietnam Airlines thì đang được nhà nước hỗ trợ.
Theo Chủ tịch Techcombank, ngay từ đầu, ngân hàng xác định tập trung vào một số lĩnh vực và phân khúc tự tin làm tốt.
Chẳng hạn, 5 năm trước, ngân hàng xác định bất động sản là lĩnh vực ưu tiên, và đã có phát triển nhanh trong những năm vừa qua. Chiến lược này là hợp lí và thực tế ngân hàng đã làm tốt, bên cạnh kiểm soát tốt rủi ro.
Cập nhật thêm về cho vay trong lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch Techcombank cho rằng nhu cầu hiện rất cao, và phục vụ nhu cầu này là bình thường.
Ông khẳng định Techcombank luôn minh bạch cơ cấu cho vay, đảm bảo được các hệ số an toàn, và dù dư nợ lĩnh vực bất động sản tương đối lớn nhưng vẫn không quá cao so với các ngân hàng khác.