Chị Lê Thu Hương cư dân tại tòa nhà CT2 - TP (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) sau nhiều ngày vẫn thấy mùi khét của nước không giảm, đã quyết định bỏ ra hơn 7 triệu đồng để mua một chiếc máy lọc nước dùng để ăn uống.
“Lúc đầu thấy nước có mùi hăng hắc như nhựa cháy, tôi tưởng chỉ có mỗi nhà mình bị vì không nghĩ là do nguồn nước nhưng sau các hộ chung tòa nhà đều có hiện tượng như vậy. Không biết nguồn nước máy người ta xử lý thể nào chứ bây giờ vẫn phải bỏ tiền ra mua máy lọc nước mới dùng được", chị Hương phàn nàn.
Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình chị Liên (28 tuổi, cư dân một chung cư Hà Đông, Hà Nội) cũng mới phải bấm bụng để mua một chiếc máy lọc nước cho cả nhà. Chị cho biết phải chờ và gọi liên tục qua 3 cửa hàng mới đặt được hàng, dù không rõ cơ chế của máy lọc nước có loại bỏ được tạp chất, vi khuẩn hay không nhưng “có còn hơn không”.
Lo lắng về chất lượng nguồn nước, người dân đã mua máy lọc nước để sử dụng. |
Anh Tuấn (30 tuổi, chủ một cơ sở cung cấp máy lọc nước ở Hà Nội) cho biết, lượng khách mua máy lọc nước trong những ngày gần đây tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. “Trong 2 ngày, cửa hàng tôi lắp đặt được cả trăm máy lọc nước, tăng đột biến, phải thuê thêm thợ công nhật về làm”.
Kết quả giám định mẫu nước tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông đã chỉ rõ, mùi "khét" trong nước là do chất styren từ dầu thải kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo gây ra. Hàm lượng styren có trong các mẫu xét nghiệm cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần.
Styren là một hợp chất hữu cơ lỏng, không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị hơi ngọt tuy nhiên khi đậm đặc thì có mùi khó chịu. Độ hoà tan trong nước <1%.
Styren được dùng trong công nghiệp hoá dầu, làm bọt xốp... và là chất góp phần làm phát triển ung thư, giảm thị lực, thính giác và gây tổn thương hệ thần kinh.
“Việc dầu bị lẫn vào trong nước rất khó xử lý, để làm sạch phải sử dụng đến các phương pháp vật lý, hóa học và công nghệ lọc dầu hiện đại. Về cơ bản các loại máy lọc nước trên thị trường không thể giúp lọc được dầu bẩn. Vì thế, nếu nước đầu vào cung cấp cho các hộ dân bị nhiễm dầu thì không thể dùng máy lọc nước thông thường làm sạch được”, Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định.
Về phía mình, PGS.TS Trần Hồng Côn cũng chia sẻ, nếu trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng, thì người dân nên chọn lựa các loại máy lọc nước có các cột lọc than hoạt tính.
Theo cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) có thể sử dụng than hoạt tính dạng hạt (GAC) để loại bỏ styren ra khỏi nguồn nước. Nhờ cấu trúc mao quản nhiều cỡ (nhỏ, trung bình, lớn) than hoạt tính hấp thụ tốt các phân tử nhỏ của chất dễ bay hơi như styren. Trong các dạng than hoạt tính, dạng hạt được sử dụng rộng rãi trong hệ thống máy lọc nước hay xử lý nước gia đình. Tuy nhiên, than hoạt tính chỉ có tác dụng với một lượng nước nhất định. Sau đó, than sẽ không còn khả năng hoạt động nữa do đã bão hòa.
Do vậy, “để tránh tiền mất, tật mang” các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên sử dụng nước bị nhiễm bẩn, có mùi lạ, mùi hóa chất vào các mục đích như ăn uống, dẫu đã qua hệ thống lọc nước gia đình.