Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan được thành lập vào tháng 11/2004 dưới tên là Công ty Cổ phần Hàng Hải Ma San. Nhưng tính cả việc thành lập và hoạt động của các cổ đông lớn, công ty con và các công ty tiền nhiệm thì Masan Group đã hoạt động từ năm 1996.
Masan Group là công ty mẹ của Masan Consumer Holdings, Masan MEATLife, Masan Resources và VinCommerce với lợi ích kinh tế tương ứng là 60%, 87,27%, 95,99% và 58,6% vào cuối năm 2019. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu hợp nhất của Tập đoàn Masan trong vốn điều lệ ở Ngân hàng Techcombank là 20% vào cuối năm 2019.
Ngoài sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng, "nòng cốt" Masan Consumer giờ đây còn lấn sân sang mảng đồ uống (mua lại Vinacafé Biên Hòa) và bán lẻ (nhận chuyển nhượng hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+).
Masan Consumer sở hữu nhiều "thương hiệu quốc dân" như Chinsu, Omachi, Nam Ngư,... Ảnh: Masan Group |
Tập đoàn Masan niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vào ngày 5/11/2009 với 476.399.820 cổ phiếu mã MSN. Giá khớp lệnh chốt phiên của MSN là 43.200 đồng/cổ phiếu. Sau hơn một năm lên sàn, thị giá cổ phiếu của Masan Group tăng trưởng ổn định, cách đây 10 năm, mã MSN có giá khoảng 49.400 đồng/cổ phiếu.
Lúc bấy giờ, nếu bỏ 10 triệu đồng để mua cổ phiếu của Tập đoàn Masan, nhà đầu tư thu về khoảgn 202 cổ phiếu. Kiên trì nắm giữ mức cổ phiếu trên, đến nay số tiền của nhà đầu tư trên sàn chứng khoán tăng trưởng lên mức hơn 11 triệu đồng.
Cổ phiếu MSN tăng trưởng không bền vững trong 10 năm qua, có lúc "đỉnh cao", mã này vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng rồi giá cổ phiếu lại tăng giảm thất thường, đến năm nay chỉ quanh quẩn dưới 60.000 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch tuần qua, mã MSN ghi nhận thị giá 54.700 đồng/cổ phiếu. Đây là mã cổ phiếu có giá trị cao thứ 11 trong rổ cổ phiếu VN30.
Theo báo cáo tài chính quý II/2020, Masan Group có doanh thu thuần tăng 92% lên mức 17.766 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp trong kỳ tăng 46% lên 3.895 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này giảm sâu về mức 21,9%. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 54 tỷ đồng, giảm đến 95% so với cùng kỳ.
HĐQT Masan Group cho biết, lợi nhuận giảm là do chi phí lãi vay tăng, tác động của việc hợp nhất VinCommerce, nền kinh tế toàn cầu suy giảm do tác động của COVID-19 lên giá hàng hóa. Tuy nhiên lợi nhuận của Masan Consumer Holdings và Techcombank tăng giúp cho kết quả quý II tốt hơn quý I.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Dù đã chuyển đổi thành công nhiều ngành hàng FMCG, hiện nay các sản phẩm của Masan mới chỉ phục vụ 1% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. The CrownX là bước đi chiến lược để mang đến thay đổi toàn diện trong lĩnh vực nhu yếu phẩm, xét cả về sản phẩm lẫn dịch vụ.
Masan đặt mục tiêu phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho ít nhất 50 triệu người tiêu dùng, đồng thời, tăng thị phần của chúng tôi trong chi tiêu tiêu dùng lên mức 25%. Nhu yếu phẩm là nền tảng ban đầu để phụng sự các nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng, xa hơn là tài chính và các nhu cầu xã hội như kết nối, giải trí”.
Masan đặt kỳ vọng lớn cho chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+. Ảnh: Tất Đạt |
The CrownX, công ty con nắm giữ 83,74% cổ phần đơn vị vận hành chuỗi VinMart, VinMart+, được xác định là điểm nhấn kinh doanh của Masan trong dài hạn. “Át chủ bài” này đã đạt doanh thu 25.848 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng là 26,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt khoảng 1.262 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020. Biên EBITDA nửa đầu năm 2020 tăng trưởng lên mức 4,9%, so với mức 3,9% ở cùng kỳ năm trước.
Trong năm nay, VinMart sẽ được đổi tên thành WinMart. Đây được xem là một phần trong kế hoạch mang đến “làn gió mới” nhằm cải thiện lợi nhuận của chuỗi bán lẻ đồ sộ, bên cạnh các biện pháp khác như đổi mới cách thức trưng bày tại cửa hàng, mang đến định vị giá trị phù hợp với người tiêu dùng, cải thiện hiệu quả logistic…