Dù chưa công bố báo cáo tài chính năm 2020 nhưng thời điểm này, lãnh đạo một số ngân hàng đã bắt đầu cập nhật kết quả kinh doanh của cả năm 2020, năm được đánh giá không nhiều khả quan vì đại dịch COVID-19. Trong khi các “ông lớn” dè dặt về tăng trưởng lợi nhuận thì các ngân hàng “chiếu dưới” lại ăn nên làm ra bất chấp COVID-19.
Big 4 vẫn lãi tỷ USD
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết năm 2020, lợi nhuận ngân hàng giữ ở mức 23.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Năm 2019, lợi nhuận Vietcombank đạt 23.122 tỷ đồng. Như vậy, năm 2020 là năm đầu tiên nhà băng luôn giữ vị trí “quán quân” lợi nhuận ghi nhận không tăng trưởng vì khó khăn chung.
Vietcombank bảo toàn lãi xấp xỉ 1 tỷ USD so với năm 2019. Ảnh: Thanh Niên. |
Về tăng trưởng tín dụng, năm 2020, ngân hàng đạt mức 13,95%, với gần 110.000 tỷ đồng cho vay mới trong năm, trong khi đó, mức bình quân toàn ngành là hơn 8%. Quy mô tài sản Vietcombank đứng thứ 4 toàn hệ thống nhưng chênh lệch giữa thu nhập và chi phí của ngân hàng trước trích lập dự phòng rủi ro vươn lên cao nhất hệ thống, ở mức 33.000 tỷ đồng, cho thấy hiệu quả kinh doanh vượt trội của nhà băng này.
Ông Thành cho biết đầu năm 2020, ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp với 5 đợt giảm lãi suất cho vay, nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Điều này khiến lợi nhuận giảm khoảng 3.700 tỷ đồng.
Song song đó, Vietcombank phải tăng mạnh quỹ dự phòng rủi ro, với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đến cuối năm 2020 đạt tới 380%, con số này hiện cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Lãnh đạo Vietcombank cho rằng định hướng hiện nay của nhà băng là giảm lãi suất đầu vào để có cơ sở giảm lãi suất đầu ra. Vietcombank cũng là đơn vị có quy mô vốn giá rẻ lớn nhất thị trường, tạo tiền đề cho việc giảm tiếp lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng giữ vị trí lợi nhuận cao thứ hai hiện nay là VietinBank. Báo cáo của ngân hàng này cho biết lợi nhuận riêng lẻ trước thuế năm 2020 đạt 16.450 tỷ đồng, chỉ số sinh lời ROE là 16,8% và ROA là 1,3%, tiếp tục cải thiện mạnh so năm 2019. Năm 2020, dư nợ tín dụng hợp nhất tăng 7,7% so với 2019.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết năm 2020 ngân hàng đã cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí, thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Trong khi đó, BIDV lại cho biết năm 2020, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ chỉ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3% và lợi nhuận hợp nhất đạt 9.017 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2019. Lý giải về sự tụt dốc này, lãnh đạo BIDV cho biết lợi nhuận giảm do chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miền giảm lãi, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trước khó khăn do dịch.
Ngân hàng “chiếu dưới” lãi khủng
Ngoài nhóm Big 4, một số ngân hàng khác cũng đã công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2020. Đáng chú ý, lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh bất chấp COVID-19.
Nhiều ngân hàng tốp dưới báo lãi khủng, có nhà băng tăng gần 100% so với năm 2019. Ảnh: Thanh Niên. |
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2020, vượt mục tiêu đề ra ở hầu hết chỉ số quan trọng, huy động vốn tăng 25% so với năm trước, trong khi dư nợ cũng có mức tăng trưởng tốt, khá cao so với toàn ngành.
Đáng chú ý, TPBank ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông đề ra. Dù không công bố cụ thể nhưng theo kế hoạch đặt ra vào đầu năm là 4.068 tỷ đồng thì với việc vượt 8%, lợi nhuận trước thuế của TPBank xấp xỉ khoảng hơn 4.300 tỷ đồng.
Đại diện TPBank cho biết ngân hàng đã giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu và hạ lãi suất cho vay mới nhưng nhờ dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng tích cực và thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu từ dịch vụ và bảo hiểm tăng cao, đã giúp cho tổng doanh thu vẫn tăng trưởng.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng ước tính kết quả kinh doanh năm 2020 có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, tăng đến 94% so với cuối năm 2019.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng cho biết dù chưa hết năm nhưng đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm, ABBank đã đạt 1.378 tỷ đồng, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2020 ngân hàng có điểm sáng là có thể giảm lãi suất, các nhà băng cũng có thanh khoản dồi dào, nhiều ngân hàng đã tăng được vốn nhằm nâng cao tiềm lực tài chính, gia tăng sức chống chịu và ứng phó với rủi ro, thách thức, tạo sự bứt tốc cho năm tới.
Nói về triển vọng của ngành ngân hàng năm 2021, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù hiện Việt Nam đang kiểm soát khá tốt COVID-19, tuy nhiên vẫn có rủi ro dịch bệnh bùng phát trở lại khi ở nhiều quốc gia như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Nếu sang năm 2021 có vaccine, chính phủ các nước có các biện pháp phòng, chống, kiểm soát được dịch thì nền kinh tế toàn cầu có thể dần khôi phục trở lại. Bằng không, kinh tế thế giới sẽ đi vào giai đoạn khủng hoảng mới.
Nhìn vào hai viễn cảnh đó, nếu dịch được kiểm soát tốt trên thế giới, Việt Nam cũng sẽ càng có cơ sở có một năm phục hồi mạnh hơn, trong đó ngân hàng vốn đang được xem là một trong những lĩnh vực sáng giá sẽ có sự tăng trưởng tốt trong năm 2021, và ngược lại.
“Song có một điểm tôi đặc biệt lo lắng đó là tình hình nợ xấu, trong trường hợp dịch khó lường, thật khó có thể đong đếm được tác động xấu tới ngành Ngân hàng sẽ như thế nào”, ông Hiếu chia sẻ.
Giới chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, ngân hàng sẽ phải quen với trạng thái “bình thường mới” khi đa số khách hàng không có nhu cầu và không muốn tới chi nhánh nữa, mạng lưới chi nhánh lớn chuyển từ lợi thế thành điểm yếu về chi phí.
Chưa kể cạnh tranh không chỉ tới từ ngân hàng khác mà còn đến từ các tổ chức không phải ngân hàng, thậm chí là các đối tác trước đây của ngân hàng; năng lực và kiến trúc công nghệ của core banking theo truyền thống có thể không còn phù hợp với môi trường cạnh tranh mới.