• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo tín dụng bất động sản tại các địa bàn đang sốt đất

Cảnh báo về những rủi ro tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ rõ trong công văn...

Cụ thể, 10 dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro xuất hiện tại một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, gọi tắt là tổ chức tín dụng (TCTD) như: Nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng; tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn so với năm trước, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019.

Đặc biệt, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư TPDN.

sot-dat.jpg
NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thẩm định, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, thận trọng cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn đang sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao. Ảnh NCĐT

Một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư TPDN tăng lớn so với năm 2019, trong đó mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Từ cuối năm 2020 đến nay, các trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có xu hướng kéo dài kỳ hạn hơn, với mức trung bình khoảng 3,8 năm, dài hơn 1 năm so với năm 2019. Lãi suất trái phiếu bình quân cũng đã tăng gần 210 điểm cơ bản, lên mức từ 9,7-11%/năm.

Ví dụ, trong đợt phát hành trái phiếu gần đây, Sunshine Group gọi vốn với lãi suất 11 %/năm, Novaland với lãi suất 10,5 %/năm, hay cá biệt như Phát Đạt từng phát hành trái phiếu với lãi suất 14 %/năm… Đáng chú ý nhất hiện nay là Tập đoàn Apec Group với trái phiếu Happybond có tài sản đảm bảo lãi suất tới 13 %/năm, được đảm bảo bởi các bất động sản đắt giá tại các thành phố lớn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu với lãi suất cao thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp, cũng như những ảnh hưởng bởi triển vọng của ngành và những tác động của yếu tố dịch bệnh tới việc phải cơ cấu kỳ hạn dài hơn của các nhà phát hành trái phiếu trong ngành.

Ngoài ra, các TCTD còn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng lớn so với năm trước; chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng suy giảm mạnh so với cuối năm 2019.

Nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn (doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên) tăng so với cuối năm 2019; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng đáng kể, dẫn đến việc chưa phản ánh thực chất kết quả kinh doanh của TCTD; một số TCTD chưa quyết liệt trong công tác thu hồi tối đa nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đưa ra theo dõi ngoại bảng.

Để đảm bảo an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro, NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao trong năm 2021.

Các ngân hàng phải tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo mục đích; thực hiện định giá tài sản bảo đảm là bất động sản, nhất là bất động sản tại các khu vực đang có hiện tượng sốt đất đảm bảo phản ánh đúng giá trị thực khách quan, minh bạch, đúng quy định của pháp luật…

Riêng đối với các lĩnh vực rủi ro, NHNN lưu ý các TCTD phải thực hiện 10 nội dung. Cụ thể, đối với lĩnh vực bất động sản, kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Cần tăng cường công tác thẩm định, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, thận trọng cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn đang sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.

Đ. KHẢI

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật