Ngày 10/11 là phiên giao dịch đầu tiên của 924 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ( HOSE ). Cổ phiếu nhà băng này có mã VIB với giá tham chiếu 32.300 đồng/cổ phiếu.
Trong ngày giao dịch đầu tiên, thị giá cổ phiếu VIB có lúc lên mức cao nhất là 34.100 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng hơn 5,5%. Tuy nhiên đến cuối phiên, giá trị cổ phiếu ngân hàng này giảm về 32.800 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất trong phiên nhưng vẫn tăng 1,5% so với giá tham chiếu. Tổng cộng, mã VIC có khối lượng giao dịch đạt hơn 1,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 58 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo VIB tại sự kiện niêm yết cổ phiếu lần đầu trên HOSE. Ảnh: VIB |
Như vậy, chỉ tính riêng ngày 10/11, nếu mua vào mã VIB ngay đầu phiên và bán ra trước khi chốt phiên, nhà đầu tư có thể nhanh chóng thu lời được 500 đồng/cổ phiếu. Ví dụ, nếu bỏ 10 triệu vào đầu ngày để mua mã VIB, mỗi người sở hữu khoảng 310 cổ phiếu. Đến cuối ngày, nhà đầu tư bán ra sẽ thu về gần 10,2 triệu đồng.
Đóng cửa ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE, vốn hóa VIB đạt hơn 30.300 tỷ đồng, vượt qua nhiều ngân hàng niêm yết lâu năm như Sacombank, Eximbank hay TPBank. So với LienVietPostBank vừa niêm yết ngày 9/11, mã VIB có thị giá cao hơn hẳn nhưng tỷ lệ chốt lời cổ phiếu lại thấp hơn đáng kể so với mã LPB.
Trong buổi lễ chào sàn, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho biết, việc cổ phiếu VIB chính thức niêm yết trên sàn HOSE sẽ “tạo động lực tiếp tục đà tăng trưởng năng động với tốc độ cao và bền vững trong nhiều năm qua”.
Trước đó, VIB thông báo 20/11 là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngân hàng này cho biết việc chia cổ phiếu thưởng dự kiến hoàn thành ngay trong tháng này. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 11.094 tỷ đồng của VIB đã được Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Theo báo cáo mới nhất, VIB hiện đạt quy mô tổng tài sản hơn 230.000 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 160.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 17.000 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 4.570 tỷ, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Với con số trên, VIB đã hoàn thành xong kế hoạch kinh doanh cả năm 2020.
Doanh thu thuần ngoài lãi hơn 2.160 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24% tổng doanh thu. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vào mức 1,6%. Tỷ lệ an toàn vốn Basel II trên 9,5%, cao hơn so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định. ROE bình quân 29%, thuộc nhóm cao nhất ngành kinh doanh tiền.
"Chiến lược dịch chuyển sang bán lẻ trong 4 năm qua đã đưa VIB trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ dẫn đầu thị trường ở nhiều mảng", ông Hàn Ngọc Vũ tự tin chia sẻ. Theo đó, tăng trưởng dư nợ bán lẻ của VIB bình quân đạt 52%/năm từ năm 2016 tới nay.
Tính đến 21/10/2020, tín dụng bán lẻ hơn 130.000 tỷ đồng. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng lên mức 82% trong tổng tín dụng toàn ngân hàng, với trên 95% dư nợ có tài sản đảm bảo, nợ xấu dư nợ bán lẻ chỉ ở mức 1% trong 4 năm qua. Hai sản phẩm chủ lực là cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô chiếm 80% danh mục, trong đó VIB chiếm số một thị phần về cho vay ô tô tại Việt Nam.