Tại hội thảo có chủ đề về phát triển ngân hàng thông minh đến năm 2030 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, ông Phùng Duy Khương – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khẳng định thói quen và hoạt động tài chính của khách hàng đang biến đổi từng ngày, vì vậy các ngân hàng sẽ ngày càng phải thông minh hơn.
Ông Khương cho rằng sự thay đổi trong hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng được phản ánh rõ qua kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen. Theo đó, tỷ lệ người Việt Nam dùng mobile banking và internet banking ở thời điểm quý IV/2018 lần lượt là 22% và 28%. Gần 3 năm sau, quý III/2021, tỷ lệ này đã tăng lên 68% và 75%.
Thị trường ngân hàng đang trong giai đoạn mà tổ chức nào có khả năng dẫn dắt khách hàng đến với những dịch vụ số hóa tiên tiến trước thì sẽ dành được thị phần nhanh hơn. |
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy sự dịch chuyển nhanh hơn. Kết quả từ một cuộc khảo sát của Nielsen trong năm 2021, cho thấy gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng ngân hàng số cho biết, họ sẽ sử dụng thường xuyên hơn ngay cả khi Covid-19 được kiểm soát.
“Người tiêu dùng đang tìm kiếm công nghệ thông minh, an toàn và nhanh hơn,” ông Khương nói và nhấn mạnh rằng các ngân hàng cũng phải “thông minh hơn, tự động hóa nhanh hơn và cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa tới khách hàng tốt hơn.”
Đại diện VPBank cho rằng một ngân hàng thông minh là cần phải đi trước đón đầu các nhu cầu của khách hàng.
“Ngân hàng thông mình cần mang tính chất gợi mở cho khách hàng về những sản phẩm, dịch vụ có thể khách hàng sẽ cần đến trong tương lai,” ông Khương nói.
VPBank có thể là một ví dụ điển hình cho mô hình ngân hàng thông minh trong tương lai. Trong vài năm trở lại đây, nhà băng đã thực hiện một chiến lược chuyển đổi số toàn diện, đưa các dịch vụ, sản phẩm tài chính của ngân hàng lên các kênh số hóa, thậm chí cả dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Hiện tại, sản phẩm và dịch vụ của VPBank đều được cung ứng qua các kênh số hóa để trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Tính đến hết tháng 9/2021, tổng lượng giao dịch số trên các kênh của VPBank đã chiếm 98%, thoả mãn thói quen mới thích tự phục vụ, tự trải nghiệm của người dùng. Tỷ lệ khách hàng mở mới thông qua kênh ngân hàng số cũng chiếm tới 83% tổng các kênh.
“Thị trường ngân hàng đang trong giai đoạn mà tổ chức nào có khả năng dẫn dắt khách hàng đến với những dịch vụ số hóa mới nhất, tiên tiến nhất trước thì sẽ dành được thị phần nhanh hơn. Không những thế, còn có thể giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn bởi công nghệ số hóa có tính hấp dẫn khó cưỡng”, ông Khương chia sẻ.