Ngày 10/7, Công ty Tư vấn quốc tế CIB phối hợp cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và thương hiệu cà phê Guta tổ chức buổi hội thảo mang chủ đề "Thích nghi "thần tốc” hay “chầm chậm” chờ chết".
Với COVID-19, ai “thích” thì sống!
Nhìn lại giai đoạn khủng hoảng trong cao điểm dịch bệnh, COVID-19 đã tàn phá hầu hết mọi mặt về đời sống kinh tế - xã hội. Nhà sáng lập CIB, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, Mã Thanh Danh , dẫn chứng đã có khoảng 35.000 doanh nghiệp bị COVID-19 “đá” khỏi nền kinh tế.
Thế nhưng cũng nhờ đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam mới có cơ hội nhận ra nhiều điều. Ông Thanh Danh cho rằng: “Trong cuộc sống thường nhật, hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, nhưng khi có một biến cố bất ngờ, mọi điểm yếu của doanh nghiệp hầu như bị lòi ra hết thảy”.
Ông Mã Thanh Danh: “Trong thời điểm COVID-19 như thế này, ai ‘thích’ thì sống, ai không ‘thích’ thì chết". Ảnh: Tất Đạt |
Theo ông, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu nhận thức rõ hơn về quản trị rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ giai đoạn khủng hoảng. “COVID-19 giúp chúng ta thấy rõ rằng, từ việc quản trị khách hàng, quản trị dòng tiền đến việc ứng biến với các rủi ro khác, chúng ta hầu như chưa có sự chuẩn bị”, ông nhấn mạnh.
Nhìn vào những doanh nghiệp sống tốt trong đại dịch, ông Mã Thanh Danh chỉ ra đặc điểm chung: chuyển dịch nhanh sang trực tuyến. “Họ có kênh bán hàng online và chuyển sang chăm sóc khách hàng online. Chúng ta nên hiểu rõ, bản chất khách hàng không bị mất đi. Khách hàng của chúng ta chỉ ngồi ở nhà và làm việc tại nhà”, ông phân tích.
Sau cơn sốc vừa qua, mô hình OTO (online to offline) dần trở thành xu hướng phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp nhận ra, họ phải vừa chăm sóc chu đáo cho cửa hàng vật lý nhưng vừa phải xây dựng tốt các kênh trực tuyến. Chính những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công là những kẻ trụ vững sau biến cố vừa qua.
Mô hình kinh doanh trực tiếp song hành trực tuyến đang là sự bền vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ảnh: Tất Đạt |
“Trong thời điểm COVID-19 như thế này, ai ‘thích’ thì sống, ai không ‘thích’ thì chết. ‘Thích’ ở đây chính là thích nghi, đổi mới và chuyển đổi”, ông nhấn mạnh. Nhưng phía CIB cho rằng, không phải COVID-19 khiến các doanh nghiệp “chầm chậm chờ chết” mà do nội tại mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp đã có điểm yếu từ lâu mà ít ai nhận rõ.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Đoàn Đình Hoàng, nhà sáng lập chuỗi Passio và Guta cafe, nhấn mạnh: “Có phải vì COVID-19 mà chúng ta phải chầm chậm chờ chết không? Theo tôi thì không phải thế. Thích nghi hay chờ chết là câu chuyện của chính chúng ta, không cần phải có dịch bệnh! COVID-19 chỉ giúp chúng ta nhìn ra vấn đề này một cách rõ hơn”.
F&B là ngành mỏ vàng hậu COVID-19?
Nhìn về tương lai, CIB đánh giá rất tích cực về thành công của quá trình kiểm soát đại dịch COVID-19 của Việt Nam. Bản thân ông Danh rất vui mừng vì “Việt Nam đã chiến thắng COVID-19”.
Vì thế, môi trường kinh doanh trong giai đoạn này, ai biết nắm bắt cơ hội sẽ là kẻ tiến gần hơn với chiến thắng. Theo ông Danh, một trong những ngành sáng giá nhất hậu cao điểm dịch bệnh chính là dịch vụ về phục vụ ẩm thực cho thực khách.
CIB dẫn thống kê của Statista cho biết, năm 2019, quy mô thị trường của ngành F&B tăng đến 34,3%, chạm mốc 200 tỷ USD. Dự đoán năm 2023, tổng giá trị của ngành kinh doanh này có thể đạt 408 tỷ USD. Cùng dân số thuộc tầng lớp trung lưu đang mở rộng, “miếng bánh” này có thể bành trướng tới 450 tỷ USD vào năm 2025.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Thanh Danh cho rằng: “Ngành nào là ngành ‘mỏ vàng’ trong khoảng thời gian này? Chỉ có 2 chữ F&B”. Giải thích rõ hơn, nhà sáng lập CIB cho biết, trong khi xuất khẩu đang trì trệ kéo nền kinh tế Việt Nam thụt lùi rõ rệt, tiêu dùng trong nước chính là yếu tố kích cầu số một.
Ông Danh ví von: “Có ai đi mua một ổ bánh mì hay một ly cà phê mà lại thiếu tiền bạn không? Đó mới là vấn đề khiến ngành F&B là ‘mỏ vàng’ trong thời gian này”. Việc kinh doanh trong ngành này giúp các “ông chủ” phần nào an tâm hơn vì đang theo xu thế, nhu cầu thị trường cao hằng ngay và có dòng tiền ổn định để doanh nghiệp kinh doanh.
Trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh, nhu cầu thị trường đối với ngành F&B vẫn rất lớn. Ảnh: Tất Đạt |
Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh, ngành phục vụ thực phẩm và đồ uống cũng đang đứng trước sự thanh lọc mạnh mẽ nhát từ trước đến nay. Đứng trước những thách thức này, ngành F&B phải thay đổi, mà theo ông là đẩy mạnh tiếp thị - truyền thông, bán hàng trực tuyến,… Và đó cũng là cách “thích nghi thần tốc” mà nhiều doanh nghiệp trong ngành kinh doanh này sống tốt qua giai đoạn khó khăn như giãn cách xã hội phòng COVID-19.
Điểm đáng chú ý trong thời gian qua của ngành F&B còn ở xu hướng đổi mới mô hình kinh doanh. Bán hàng online thôi chưa đủ, nhiều thương hiệu đang thi nhau “xuống đường”. Ông Danh đánh giá đây là cung cách kinh doanh rất tốt, tiếp cận gần gũi và thấu hiểu khách hàng hơn, nhất là đối với ngành bán lẻ cà phê.
Chuỗi thương hiệu Việt có thể “mang chuông đi đánh xứ người”
Ông Đoàn Đình Hoàng cũng cho rằng, ngày nay, nhiều người bắt đầu cảm nhận được sức nóng của ngành F&B nói chung, rầm rộ gần đây là ngành bán lẻ cà phê nói riêng. Vì thế, các nhà kinh doanh bắt đầu muốn đưa cơ nghiệp của họ vào con đường chuyên nghiệp.
Một trong những cách chuyên nghiệp hoá và phát triển của ngành được hai vị chuyên gia đồng ý chính là mở chuỗi và nhượng quyền thương hiệu.
Ở giai đoạn hiện tại, ông Thanh Danh cho rằng việc hình thành chuỗi kinh doanh là nước đi có tiềm năng kể cả đối với thương hiệu lớn, nhỏ hay đối với các nhà đầu tư cá nhân có tiền nhàn rỗi.
Nói rõ hơn về tiềm năng của kinh doanh chuỗi và nhượng quyền, ông Đình Hoàng phân tích: “Về mặt căn bản, khải niệm chuỗi giúp cân bằng chi phí tốt, cắt giảm chi phí dùng chung như chi phí kế toán, chi phí phát triển sản phẩm, marketing… Ngoài ra, chuỗi còn có lợi thế trong việc mua chung, tăng được mức chiết khấu”.
Theo chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, kinh doanh chuỗi giúp thúc đẩy doanh thu nhờ có nhiều điểm bán. Ở chiều ngược lại, đây cũng là mô hình giúp tăng lợi ích cho khách hàng. “Khách hàng không cần phải đi xa, không cần đắn đo xem sản phẩm ở cửa hàng này có tốt hơn cửa hàng khác không. Nói cách khác, chuỗi mang lại sự ‘sung sướng’ cho khách hàng”, ông nói thêm.
Ông Đoàn Đình Hoàng cho rằng, mô hình kinh doanh chuỗi giúp cân bằng chi phí tốt. Ảnh: Tất Đạt |
Tuy nhiên, bản chất của kinh doanh chuỗi còn là kinh doanh dịch vụ. Vì thế, bí quyết thành công của mô hình này phần nào đòi hỏi sự công phu hơn. Cụ thể, ông Mã Thanh Danh chỉ rõ, khi làm chuỗi, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố con người, quy trình phục vụ, hay kể cả không gian kinh doanh và tối đa là tạo được sự trung thành với thương hiệu.
Tại buổi hội thảo, ông Danh cũng cho biết, sắp tới sẽ tham gia sâu hơn vào mảng này. “Chúng tôi cho rằng, chúng tôi có sứ mệnh tạo ra khuông mẫu tối ưu cho kinh doanh chuỗi và nhượng quyền tại Việt Nam. Chúng tôi muốn các chuỗi kinh doanh tại Việt Nam phải tự hào là thương hiệu Việt, tự hào sinh ra ở đất Việt”, ông nói. Ông tự tin, với sự thành công đến từ các chuỗi thương hiệu Việt Nam, ông và các đối tác còn có khả năng “mang chuông đi đánh xứ người”.