Theo báo cáo của Bộ Tài chính về đánh giá tác động của dịch viêm phổi do nCoV nhấn mạnh, bên cạnh việc phải triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát mặt bằng giá quý I/2020 thì cần phải tập trung nguồn lực để kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng cần triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được Chính phủ chỉ đạo, để điều hành cung cầu kéo mặt bằng giá heo hơi giảm ngay trong tháng 2 và tháng 3.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá thịt heo giảm 10% ngay trong tháng 2 sẽ giúp CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ 2019 chỉ tăng 5,67% và CPI bình quân cả năm ở mức 4,59%; nếu giá thịt lợn giảm thêm 8 – 10% trong tháng 3 sẽ giúp CPI bình quân cả năm ở mức 4,22%.
Bộ yêu cầu tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ, nhằm ổn định tình hình nguồn cung.
Tăng cường bình ổn giá heo hơi về mức 45.000 đồng/kg |
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các giải pháp để bình ổn, giảm giá mặt hàng thịt heo, nhằm bảo đảm lợi ích các bên.
Một mặt có giải pháp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để thay thế, đẩy mạnh tìm kiếm và nhập khẩu từ các thị trường khác, đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính nhằm xúc tiến nhanh quá trình nhập khẩu đảm bảo phục vụ đủ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông, việc bình ổn, giảm giá heo hơi được xem là sẽ ảnh hưởng lớn đến kiểm soát lạm phát, theo kịch bản từ đầu năm và cả năm 2020.
Phó Thủ tướng cũng đưa ra lộ trình giá heo hơi phải giảm từ 10% trong các tháng tiếp theo, để quay về vùng giá trước khi dịch tả heo châu Phi xảy ra, ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá góp phần kiểm soát lạm phát, CPI dưới 4% là nhiệm vụ rất khó khăn nếu không chỉ đạo điều hành ngay từ quý I. Cần tập trung nguồn lực để kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh. Trường hợp cần thiết căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế, địa phương nên đưa các mặt hàng chống dịch vào diện kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn giá cả thị trường.
Việc quản lý điều hành giá trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành địa phương cần quyết liệt triển khai ngay các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban điều hành giá.
“Cơ quan quản lý thị trường phối hợp với thanh tra tài chính cần tăng cường kiểm tra trên diện rộng, việc công khai niêm yết giá, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến việc bán không đúng giá niêm yết, tăng giá bất hợp lý”, Bộ Tài chính khẳng định.
Giá thịt heo mảnh giảm đáng kể so với Tết |
Giữa dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), cùng với sự điều hành của Chính phủ, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá thịt heo , những ngày qua, giá heo hơi trong nước liên tục đi xuống.
Bên cạnh đó, giá thịt heo mảnh cũng giảm từ 5.000-20.000 đồng/kg so với Tết, tại các chợ đầu mối TP.HCM, lượng heo hơi về hai chợ Bình Điền và Hóc Môn giá heo mảnh loại 2-3 giảm sâu xuống còn 85.000-90.000 đồng/kg, heo mảnh loại 1 từ 103.000-1.08.000 đồng/kg.
Trước tình hình nhu cầu thực phẩm tăng cao giữa dịch nCoV, giá thịt heo bán lẻ tại nhiều siêu thị vẫn giữ mức ổn định như trước Tết. Riêng Saigon Co.op giảm khoảng 20.000-40.000 đồng/kg cho nhiều loại thịt, sườn non, chân giò... thu hút rất đông người chọn các điểm bán này để mua thịt heo.
Ghi nhận tại Big C, thịt nách heo 134.000 đồng/kg, thịt đùi 140.000 đồng/kg, nạc đùi heo 161.000 đồng/kg, nạc thăn 159.000 đồng/kg, sườn non 222.000 đồng/kg. Giá bán này bằng mức Big C cam kết bán ra không lợi nhuận như hồi trước Tết.