HĐQT Tập đoàn Masan vừa thông qua nghị quyết bổ sung 5.000 tỷ đồng vào số vốn góp tăng thêm tại Công ty TNHH The Sherpa . Như vậy, vốn điều lệ của The Sherpa sau khi tăng thêm sẽ đạt 6.517 tỷ đồng. Việc góp thêm vốn có thể được thực hiện trong một hoặc nhiều đợt.
Trước đó, chủ trương góp thêm 1.000 tỷ đồng để tăng vốn của The Sherpa từ 517 tỷ lên 1.517 tỷ đồng đã được HĐQT Masan Group phê duyệt vào tháng 8/2020. Theo báo cáo tài chính quý III/2020, tập đoàn của ông Nguyễn Đăng Quang đang sở hữu 99,9% vốn tại The Sherpa với hoạt động kinh doanh chính là tư vấn quản lý đầu tư.
The Sherpa cùng The CrownX vốn là hai công ty được Masan thành lập vào tháng 6/2020 để nhằm hoàn tất "giao dịch hợp nhất" giữa Công ty Cổ phần Phát triển và Thương mại Dịch vụ VinCommerce (VCM) và Công ty TNHH Masan Cosumer Holdings (MCH).
The Sherpa là công ty mẹ gián tiếp sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ . Ảnh: Tiêu Dùng Plus |
Vài ngày sau đó, Tập đoàn Masan đã tiến hành chuyển toàn bộ lợi ích vốn chủ sở hữu trong MCH cho The CrownX và toàn bộ lợi ích vốn chủ sở hữu trong VCM cho The Sherpa. Sau đó, The Sherpa đã chuyển toàn bộ lợi ích trong VCM cho The CrownX.
Cuối cùng, The Sherpa trở thành công ty mẹ nắm 70% vốn của The CrownX. Và Công ty The CrownX lại là công ty mẹ của VCM. Đây là pháp nhân sở hữu 100% VinCommerce và VinEco. VinCommerce là doanh nghiệp vận hành chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+.
Sau đó, Tập đoàn Masan đã mua lần lượt 12,6% và 2,3% vốn của The CrownX từ bên thứ ba và tăng lợi ích vốn chủ sở hữu tại đây lên 84,8%. Tại thời điểm ngày 30/9, tỷ lệ lợi ích thông qua sở hữu gián tiếp của Tập đoàn Masan tại VinCommerce là 71%.
VinMart+ đang là chuỗi siêu thị mini lớn nhất thị trường. Ảnh: Tất Đạt |
Cũng trong đợt công bố thông tin này, HĐQT Masan còn phê duyệt việc ký kết hợp đồng tín dụng với BNP Paribas Credit Suisse AG - chi nhánh Singapore, Standard Chartered Bank (Singapore), The Hong Kong and Shanghai Banking Corporation Limited - chi nhánh Singapore và các bên tham gia tài trợ khác. Hợp đồng tín dụng có số tiền ban đầu không vượt quá 200 triệu USD cùng với quyền chọn gia tăng khoản vay thêm tối đa 50 triệu USD.
Chưa rõ việc ký kết hợp đồng tín dụng này có liên đới gì tới động thái dồn vốn cho The Sherpa không.
Nghị quyết góp thêm vốn vào công ty mẹ gián tiếp của VinCommerce được công bố chỉ 1 ngày sau khi Tập đoàn Masan thông báo kế hoạch mở rộng chiến lược giai đoạn 2021-2025 với hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+.
HĐQT tập đoàn này hướng tới việc bành trướng thành công hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 siêu thị mini VinMart+ tại khắp 63 tỉnh, thành vào năm 2025. Theo số liệu ghi nhận vào cuối tháng 9/2020, số lượng điểm bán của VinMart và VinMart+ lần lượt là 122 và 2.524. Đây là chuỗi bán lẻ đứng đầu thị trường về quy mô hệ thống và doanh thu.
Masan Group tự tin toàn hệ thống VinMart sẽ hoà vốn vào cuối năm nay. Ảnh: Tất Đạt |
Trong quý III, VinCommerce giúp Masan Group thu về 7.864 tỷ đồng. Tổng doanh thu của toàn hệ thống sau 9 tháng đầu năm 2020 là 23.678 tỷ đồng.
Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của VinCommerce vẫn đang âm 221 tỷ đồng trong quý III và luỹ kế âm 1.272 tỷ đồng sau 3 quý. Biên EBITDA của VinCommerce quý III âm 2,8%, cải thiện đáng kể so với quý liền trước (âm 8,5%) và cùng kỳ 2019 (âm 6,6%). Trước đà cải thiện này, Ban Lãnh đạo VinCommerce tự tin có thể hòa vốn EBITDA trong quý IV/2020.
Chủ tịch HĐQT Masan Group Nguyễn Đăng Quang, cho biết: "Chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt đầu tiên khi VinCommerce sẽ đạt mục tiêu hòa vốn vào quý IV năm nay. Đây là cột mốc đầu tiên trong hành trình trở thành tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online - offline hàng đầu Việt Nam".