• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thay đồ chơi nhựa bằng gỗ: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Lo sợ đồ chơi bằng nhựa chứa chất độc, phụ huynh có xu hướng chuyển sang chọn đồ chơi...

Đa dạng, giá rẻ

Tại các siêu thị như Vinmart, shop Trẻ Thơ, Bibomart, Kids Plaza…, ĐCBG chiếm số lượng áp đảo không thua đồ chơi bằng nhựa; trong đó, phân nữa sản phẩm có giá bình dân dưới 300.000 đ/bộ. Mặc dù có giá thành rẻ so với lúc trước nhưng đa dạng mẫu mã, màu sắc, đủ thể loại giúp bé vừa học vừa chơi.

Lý do ĐCBG có giá thành rẻ được người bán, nhà sản xuất lý giải rất hợp tình, hợp lý: Khi sản xuất các vật dụng có diện tích lớn như bàn, ghế, giường, tủ… không tránh khỏi cắt bỏ gỗ thừa. ĐCBG chỉ cần khối gỗ nhỏ nên các nhà sản xuất đã tận dụng các khối gỗ thừa này lắp ghép lại thành ĐCBG nên dù giá thành rẻ nhưng chất lượng gỗ đảm bảo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều bộ ĐCBG được phủ lên lớp màu rất lòe loẹt, nham nhỡ, độ bám màu không tốt; mùi sơn và mùi vecni nồng nặc.

Đến gian hàng ĐCBG tại một siêu thị trên đường 3/2, Q.10, TP.HCM, chúng tôi như lạc vào khu rừng đồ chơi với hàng trăm món, đủ tên gọi nào là thú xỏ dây, hề tháp một trụ, xe củi thả hình, hộp thả hình con thỏ, bộ số và bộ thú nam châm, bảng hình số, đập bóng hình con vật…

 Thay đồ chơi nhựa bằng gỗ: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Tuy nhiên, phần lớn ĐCBG tại đây có màu sắc rất đậm, lòe loẹt, trông rất lem luốc. Khi mua các sản phẩm bộ xếp hình 6 con thú và 24 con thú giúp bé học tiếng Anh, bảng chữ số tương ứng với chữ cái tiếng Anh, thú xỏ dây 12 con… và mở bao bì ra thì một mùi sơn pha lẫn vecni xộc lên tận mũi, sau khi cầm vẫn còn cảm giác bám một phấn sơn lên các ngón tay.

Với những sản phẩm đắt tiền, có in hẳn catalogue giới thiệu về sản phẩm rất chi tiết gồm chất liệu, cách chơi, trò chơi giúp ích những gì, in rất đậm dòng chữ cảnh báo: không phù hợp với trẻ dưới 3 tuổi vì có các chi tiết nhỏ.

Nhưng với các sản phẩm giá rẻ, ghi hướng dẫn sử dụng rất ngắn gọn: “Không chơi với nước, không chơi với lửa, không ăn kèm thức ăn, không dùng đánh nhau với bạn”, thành phần: gỗ thông + sơn,  cạnh đó là vòng tròn có dấu gạch ngang, nửa vòng là hình gương mặt, nửa vòng tròn còn lại có số “0 - 3” (ký hiệu cảnh báo không cho trẻ dưới ba tuổi chơ sản phẩm – PV) khiến người tiêu dùng không hiểu đây là biểu tượng có ý nghĩa gì.

Hiện, thị trường đang “sốt” các bộ ĐCBG theo dạng ghép tranh. Mỗi bộ sẽ có chủ đề riêng. Ghé một cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, chị bán hàng nhanh nhảu: “Tại đây có nhiều bộ ghép bằng gỗ. “Hot” nhất là bộ ghép 184 chi tiết, khi tháo rời các chi tiết này ra sẽ lắp ghép được 34 mô hình gồm bàn, chế, giường, tủ, xích đu, ngôi nhà nhưng giá chỉ 135.000đ, nếu mua hai bộ giảm 10%".

Quan sát bao bì sản phẩm chi chít tiếng Trung Quốc. Nhìn kỹ mẫu ghép thì thấy đó là ván nhân tạo (miếng gỗ mỏng dán lại với nhau, đây là loại ván chứa nhiều keo, hóa chất - PV). Tại đây còn nhiều mẫu độc đáo, thu hút các bé lẫn phụ huynh như bộ xếp hình 16 con vật trên cạn và 16 con vật dưới nước, khi ráp lại thành một khối gỗ, khi tách rời là 12 con giáp; bộ xếp hình tam giác gồm sóc, hưu, nai, thỏ, cá sấu, chim… với mỗi con vật là một màu, xếp lại thành hình tam giác rất độc đáo. Tất cả được quảng cáo làm bằng gỗ tần bì nhập khẩu, sơn phủ bên ngoài là sơn không độc nhưng vẫn bốc mùi sơn nồng nặc.

Tại nhiều khu dân cư, thỉnh thoảng có vài người đến bày bán ĐCBG thu mua lại từ những đơn vị sản xuất thực phẩm cho trẻ em rồi bán lại với giá rẻ hơn thị trường từ 20.000 – 30.000đ/sản phẩm. Chị Thùy, ngụ Q.Bình Tân cho biết, mới đây có một người phụ nữ đến chung cư nơi chị ở bày bán ĐCBG, thích quá chị mua một loạt xe hứng đồ vật, lắp ráp con vật vào đồng hồ, lắp ráp hình khối vào ngôi nhà, đàn…

Tuy nhiên, sản phẩm rất mau xuống màu, sau khi cất trong tủ lấy ra xài thì có mùi hôi, đóng móc, các hình khối và con vật nếu quăng mạnh xuống nền nhà sẽ bung ra một lớp bột do mối mọt ăn từ khi nào.

Nhìn chung, ĐCBG của Việt Nam đã có một bước tiến mới về mẫu mã, giá thành. Tuy nhiên, điểm hạn chế là không đa tính năng, chủ yếu là các khối gỗ khô cứng lắp ráp với nhau nên trẻ rất mau chán. Trong khi đó, ĐCBG của Trung Quốc đa tính năng hơn như có thể phát ra âm thanh, có thể đàn, vẽ, nấu ăn trên sản phẩm gỗ… nhưng giá thành rẻ hơn nhiều vì vậy vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chứa nhiều chất độc

Theo các chuyên gia, cho trẻ chơi ĐCBG cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trước hết là bản thân gỗ. Phần lớn nhà sản xuất đều thích sử dụng gỗ công nghiệp vì cho ra sản phẩm có bề mặt đẹp, màu sắc đa dạng, chế tác nhanh, tiết kiệm nhân lực, lợi nhuận cao…

Quy trình sản xuất gỗ công nghiệp là nghiền các cây gỗ rừng trồng ngắn ngày như keo, bạch đàn, cao su… sau đó chúng được trộn với keo và ép để tạo độ dày. Chính keo trộn này là thành phần có chứa formanldehyd. Tùy theo từng loại keo mà thành phần formandehyde nhiều hay ít.

Đối với các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ, họ sử dụng gỗ công nghiệp rất nhiều. Tuy nhiên, hàm lượng formaldehyde được kiểm soát rất nghiêm ngặt và chặt chẽ đối với các doanh nghiệp. Tiêu chuẩn để đánh giá hàm lượng formanldehyde trong gỗ công nghiệp được tính bằng ppm, phải nhỏ hơn 0.11ppm để không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

 Thay đồ chơi nhựa bằng gỗ: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Ở Việt Nam, các loại gỗ công nghiệp chủ yếu có xuất xứ từ Malaysia, Trung Quốc và sản xuất trong nước. Gỗ của Malaysia được đánh giá có chất lượng tốt nhất so với các loại còn lại, giá thành cũng cao hơn. Đối với gỗ sản xuất từ Trung Quốc và nội địa, do chưa có quy định ràng buộc nên nhiều nhà sản xuất vẫn khá tùy tiện, hàm lượng keo trong ván quá cao nên formandehyde có trong gỗ đều vượt xa các ngưỡng đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Trong điều kiện bình thường và bằng mắt thường không thể nhận biết được formaldehyde, chỉ có xét nghiệm mới có thể đánh giá được thông số này trong gỗ là bao nhiêu. Ví dụ, khi mở một ngăn tủ mới bằng gỗ sẽ ngửi được mùi hôi xộc lên tận mũi có vị cay, nồng khó chịu đó chính là tác động của formaldehyde.

Tuy nhiên, do ĐCBG được cắt nhỏ ra rồi đóng gói riêng nên mùi nồng này sẽ giảm nên với các sản phẩm khi ngửi không thấy cay, nồng xộc vào mũi không có nghĩa sản phẩm đó không có formaldehyde.

TS Huỳnh Khánh Duy – Khoa kỹ thuật hóa học, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, formaldehyde phóng thích ở nhiệt độ thường và tồn tại trong không khí, vì vậy nhiễm formaldehyde đối với con người diễn ra liên tục và có tính tích lũy. Do phân tử của formaldehyde rất nhỏ nên có thể len lỏi vào da, vào đường máu khiến máu tạo ra hợp chất độc, tích tụ lâu ngày sẽ gây hại cho cơ thể.

Điều đáng nói là cơ thể người không có cơ chế đào thải formaldehyde. Nhiều người cho rằng ĐCBG có kích thước nhỏ, hàm lượng formaldehyde không nhiều nên khả năng tồn tại trong không khí rất nhỏ. Tuy nhiên, khi chơi, trẻ nhỏ tiếp xúc gần với ĐCBG, formaldehyde không cần phóng thích vào không khí mà đi thẳng vào cơ thể trẻ theo đường hô hấp, càng nguy hiểm hơn.

Tiếp đến là các loại sơn màu được phủ lên ĐCBG. Sau khi tìm hiểu mới biết các hình chữ số, con vật in trên mặt ĐCBG có nguồn gốc từ màu gốc in lụa được sử dụng trong việc in lên sợi nilon, cotton, vải sơn giả da, in lụa trên gỗ, nhuộm gỗ. Theo những người bán, thành phần của các hệ màu gốc này gồm methanoic acid, azo, kim loại.

Theo TS Huỳnh Khánh Duy – Khoa kỹ thuật hóa học, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, với màu nhuộm họ azo, do có chứa liên kết azo không bền mà màu nhuộm này dễ bị biến đổi để hình thành các hợp chất amine thơm. Các amine thơm này khi đi vào cơ thể có thể gây ra nguy cơ ung thư.

Dù được kiểm soát ở rất nhiều nước trên thế giới (Việt Nam, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, …) nhưng việc sử dụng các thuốc nhuộm azo có khả năng sinh ra các amine thơm độc hại thường khá phổ biến do các màu azo này rẻ, dễ điều chế, dễ nhuộm và có màu tươi, đẹp.

Hầu hết các sản phẩm ĐCBG đều có túi chống ẩm mốc. Nếu sau khi mua về sử dụng, không được bảo quản thì ĐCBG rất dễ bị nấm mốc. Khi chơi ĐCBG trẻ hay ngậm cắn, hóa chất độc hại và nấm mốc dễ xâm nhập vào cơ thể.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết, trong sơn đồ gỗ có chứa chì. Sẽ rất nguy hại nếu có chì trong ĐCBG trẻ em đang ở độ tuổi cắn ngậm. Riêng vecni thường chứa một số loại bột sắt công nghiệp, nhiều tạp chất kim loại nặng, nếu cơ thể nhiễm phải sẽ theo máu đến gây hại các cơ quan khác. Đặc biệt trẻ em tiếp xúc với các hóa chất này có nguy cơ hen suyễn rất cao.

HOÀNG HẢI

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật