Hiện tại, thịt heo do các doanh nghiệp trong nước sản xuất vẫn có giá khá cao. Trong khi đó, giá thịt heo nhập khẩu thấp hơn từ 30 - 80%, tùy vào sản phẩm. Đây là mức chênh lệch khá lớn. Chính vì lý do này mà nhiều người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen và chuyển sang dùng thịt heo nhập khẩu.
Sườn lợn bỏ cục của Canada. Ảnh: Internet |
Giá rẻ là vậy nhưng người tiêu dùng vẫn chia làm 2 nhóm thị hiếu. Nhóm thứ nhất vẫn giữ tập quán người Việt thích ăn thịt tươi, “nóng”, được giết mổ trong ngày nên không mặn mà với loại hàng đông lạnh ngoại quốc giá rẻ này. Họ cho rằng dùng loại thịt này mất thời gian rã đông, nếu đã lỡ rã đông rồi thì phải dùng hết không thể để đông lạnh trở lại sẽ làm giảm chất lượng thịt. Khi nấu nướng cũng phải rửa sạch, chế biến kỹ thì mới ngon được.
Nhóm thứ 2, lại khá hài lòng với chất lượng thịt nhập khẩu, theo Vietnamnet. Chị Lan Hương, khu đô thị Đặng Xá, chia sẻ, trên chợ bán online của riêng khu đô thị có nhiều người bán thịt lợn nhập khẩu và chị đã thử mua một tảng sườn Cánh Buồm về ăn. “Sườn nạc và khá mềm, tôi làm món sườn chua ngọt hay hầm canh đều ngon. Giá cả rất hợp lý. Nếu thịt ở chợ vẫn đắt như hiện nay thì gia đình tôi sẽ chuyển sang ăn thịt lợn nhập khẩu”, chị Hương nói.
Còn chị Nguyễn Thị Nhung (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, chị đã mua thịt heo nhập khẩu về sử dụng vài lần và thấy chất lượng thịt không khác nhiều so với thịt heo trong nước chị thường mua, theo Dân Trí.
“Thịt heo nhập khẩu thì cũng ngon như thịt heo trong nước nhưng có giá rẻ hơn. Hiện nay, thu nhập của tôi đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên tôi ưu tiên mua những sản phẩm có giá tốt hơn”, chị Nhung nói.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước, trong tháng 3, Việt Nam đã mở cửa cho nhập khẩu thịt heo từ Nga với thuế suất nhập khẩu 0%. Ngay lập tức, một tập đoàn lớn của Nga đã xuất khẩu sang Việt Nam 1.500 tấn thịt heo. Trong tháng 4 và tháng 5/2020 đã có khoảng 2.000 tấn thịt heo từ Nga tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam.
Để mua được miếng thịt ngon, khách hàng cần lựa chọn kỹ vì thịt khi mua đông đá khó kiểm chứng được chất lượng. Ảnh: Internet |
Hiện nay, thịt đông lạnh nhập khẩu Nga xuất hiện nhiều trên các “chợ” online và ở một số cửa hàng chuyên phân phối thực phẩm sạch. Số lượng hệ thống siêu thị lớn bán loại thịt này không nhiều do nhu cầu người tiêu dùng còn hạn chế.
Thịt lợn Nga đang được bán với giá dao động từ 80.000-160.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể: sườn non khoảng 125.000 đồng/kg; ba chỉ khoảng 160.000 đồng/kg; thịt nạc vai khoảng 85.000 đồng/kg... Trong khi giá thịt lợn nhập khẩu tại các siêu thị được niêm yết ổn định thì các tiểu thương bán hàng online lại có cách định giá riêng tùy vào nguồn nhập đắt - rẻ của mỗi người, theo Dân Việt.
Chị Trịnh Thảo, một người bán thịt lợn nhập khẩu Nga, cho biết đối tượng khách hàng chính của chị hiện nay chủ yếu là những người đã sinh sống ở nước ngoài nhiều năm hoặc những người thường xuyên đi nước ngoài. Họ đã từng ăn hoặc được trải nghiệm, quan sát các nước phát triển nhập khẩu thịt từ lâu và người dân vẫn yên tâm sử dụng.
Thực tế, thịt lợn Nga không có nhiều khác biệt với thịt lợn Việt Nam nhưng lại có ưu điểm về giá thành. Lợn được nuôi quy mô lớn, kiểm soát nguồn thức ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Sau khi đã mua lần thứ 3 loại thịt này về sử dụng tôi thấy khá hài lòng. Thịt lợn thơm, thời gian bảo quản được lâu, khi chế biến không có bọt bẩn,... Nếu để sử dụng lâu dài với số lượng lớn, tôi nghĩ đây là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần chú ý khi chọn thịt để mua được miếng thịt ngon, ít mỡ, chị Ngân Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Người tiêu dùng nên mua thịt heo nhập khẩu ở siêu thị, cửa hàng uy tín có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Internet |
Phần lớn người tiêu dùng hiện nay do lo ngại các vấn đề về bảo quản đông lạnh, quy trình vận chuyển; vệ sinh an toàn thực phẩm, hơn nữa lại chưa tìm được nguồn cung cấp uy tín, vì vậy họ còn thờ ơ với các loại thịt đông lạnh nhập khẩu nói chung và thịt lợn Nga nói riêng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thịt lợn trong nước đang có nhiều biến động, thịt lợn nhập khẩu cũng được coi là giải pháp thay thế hiệu quả nhằm đáp ứng nguồn cầu của thị trường và làm đa dạng các lựa chọn của người tiêu dùng. Khi được chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng tùy theo nhu cầu của bản thân và gia đình.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, việc nhập khẩu thịt heo thực hiện theo quy định, chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam. Hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt heo chính ngạch vào Việt Nam gồm: Argentina, Úc, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Đức, Hungary, Ấn Độ, Ireland, Litva, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Mexico…