Ngay sau khi ứng dụng MyAladdinz bị cảnh báo lừa đảo, ứng dụng IBG xuất hiện với độ phủ sóng lan rộng. Cũng hoàn 80% giá trị giao dịch theo hình thức “nhỏ giọt” 0,2%/ngày, IBG trả tiền dưới dạng “điểm” và “điểm” này chỉ có thể sử dụng trong hệ sinh thái của IBG.
Hoàn “điểm” chứ không hoàn tiền
Thời gian gần đây, thị trường liên tục xuất hiện các trang web, ứng dụng thương mại điện tử hoạt động với hình thức “hoàn tiền”. Theo lời quảng cáo từ các ứng dụng này, người tiêu dùng khi mua sắm, thanh toán thông qua ví điện tử, ứng dụng có thể được “hoàn tiền” lên đến 80%, thậm chí 100%.
Một ví dụ điển hình của mô hình này là ứng dụng MyAladdinz, cam kết hoàn 80% giá trị đơn hàng cho người mua. Khi mua bất kỳ món hàng nào trong hệ sinh thái của ứng dụng này, người mua đều được hoàn tiền, từ đồ gia dụng, đồ công nghệ đến quần áo, mỹ phẩm, ô tô,… Việc nhẹ, lợi nhuận cao, nhiều người đã tin rằng chỉ cần bỏ ra 20% chi phí là có thể “tậu” được món đồ mà mình muốn.
Tuy nhiên, có một sự thật là MyAladdinz chỉ hoàn tiền bằng việc tích điểm trên ứng dụng và người mua vẫn phải trả 100% chi phí để sở hữu món đồ đó.
Ứng dụng IBG khi ra mắt cũng quảng cáo rầm rộ “hoàn tiền 80%”. Lời cam kết giống hệt ứng dụng MyAladdinz trước đó. Nhưng khi được hỏi thực hư về tỷ lệ hoàn tiền cao đến mức đáng ngờ này, đại diện IBG Việt Nam thừa nhận: “Đây chỉ là một hình thức quảng cáo thu hút sự hiếu kỳ”.
Ứng dụng IBG cam kết hoàn tiền lên đến 80%. Ảnh: IBG Việt Nam |
Dù chỉ mới ra mắt vào ngày 3/9, ứng dụng IBG đã có trên 5.000 lượt tải xuống. Đại diện ứng dụng này hô hào, dự kiến đến tháng 2/2021, IBG Việt Nam sẽ kết nối 5.000 doanh nghiệp trong hệ sinh thái IBG ở Việt Nam và trên 100.000 người sử dụng dịch vụ tích điểm. Từ đó, đội ngũ lãnh đạo sẽ mở rộng hệ sinh thái IBG ra toàn thế giới.
Để tham gia vào hệ sinh thái, người dùng phải tải ứng dụng IBG và tạo tài khoản, sau đó dùng tiền thật để mua tiền ảo USDT với tỷ giá 1 USDT = 1 IBG = 23.500 đồng. Số điểm IBG đã có, người dùng sử dụng để mua các mặt hàng trên ứng dụng và sẽ được hoàn 80% giá trị sản phẩm. Giá trị sản phẩm này tính theo đơn vị điểm. Số điểm này chỉ có một công dụng duy nhất là quy đổi thành IBG để tiếp tục mua sắm trong hệ sinh thái, với mức quy đổi là 0,2% tổng số điểm/ngày.
Với những khách hàng có tham vọng lớn, IBG giới thiệu các gói đầu tư “khủng” từ Silver (bạc) đến Diamond (kim cương). Khi tham gia vào các gói này, khách hàng sẽ được X5 (nhân gấp 5 lần) giá trị tài sản. Tức là, mua gói 1.000 IBG được tặng thêm 5.000 điểm. Điểm này vẫn lại được quy ra điểm IBG dưới hình thức “nhỏ giọt” 0,2%/ngày.
Vòng tuần hoàn này tiếp tục lặp lại. Người dùng bỏ tiền thật ra đầu tư nhưng “hoàn” lại chỉ là điểm IBG, điểm thưởng và không rút lại được tiền.
Rủi ro khi đầu tư vào mô hình “hoàn tiền”
Mô hình hoàn tiền (cashback) đã không còn mới với nhiều người tiêu dùng. Tại Việt Nam, các ứng dụng thương mại điện tử như Momo, Moca by Grabpay, VN Pay... hay các ngân hàng điện tử đều đã từng áp dụng mô hình này để thu hút người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn tiền từ các ứng dụng này đều có mức trần nhất định và thường không quá 10%. Nếu tỷ lệ hoàn tiền cao, thường là 35% hoặc 50%, thì sẽ có mức giới hạn trần để đảm bảo khả năng hoàn tiền từ nhà cung cấp.
Khả năng hoàn tiền lên đến 80% từ MyAladdinz hay IBG mà không có mức giới hạn trần là điều vô lý. Thực tế, cả MyAladdinz và IBG đều chỉ "hoàn điểm" chứ không hoàn tiền.
Bóc tách mô hình hoạt động của các ứng dụng này, các chuyên gia cho biết, mô hình này hoạt động trên nguyên tắc lấy tiền của người tham gia sau trả lãi và hoa hồng cho người tham gia trước. Mô hình sẽ sụp đổ khi số tiền mà người tham gia sau bỏ ra quá ít hoặc không có người tham gia mới.
Hệ sinh thái của IBG. Ảnh: IBG Việt Nam |
Vừa qua, Bộ Công an cũng đã lên tiếng cảnh báo, ứng dụng MyAladdinz có dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng, tích điểm theo mô hình đa cấp ẩn dưới hoạt động thương mại điện tử. Đây là mô hình chưa được Bộ Công Thương cấp phép, do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào gói huy động của MyAladdinz.
Đáng chú ý, IBG cũng không có giấy phép hoạt động kinh doanh khai thác tài nguyên mảng thương mại điện tử và không được cấp phép là trung gian thanh toán. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM thông tin với báo chí, ứng dụng IBG chưa đăng ký hoạt động với Sở Công thương thành phố.
“Căn cứ pháp lý theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, qua rà soát, ứng dụng IBG chưa có thông báo cũng như đăng ký với Bộ Công Thương. Đối với Sở Công Thương TP.HCM, chúng tôi cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về ứng dụng này”, ông Hoàng Vũ cho biết.
Do đó, khi đầu tư vào các mô hình hoàn tiền trái phép với những cam kết không rõ ràng, lợi ích của người dùng sẽ không được bảo vệ về pháp lý. Một khi mô hình sụp đổ, tiền đầu tư sẽ “không cánh mà bay”.
IBG (International Business Group) có trụ sở tại bang Texas (Mỹ) với giám đốc là ông Alexey Stepanenko. Tại Việt Nam, IBG có 3 đối tác chiến lược là IBG Việt Nam, IBG Global Funds và ONEsGROUP. Ông Nguyễn Thanh Bình là chủ tịch HĐQT và cũng là nhà sáng lập của IBG Việt Nam. Hiện công ty có 8 văn phòng trên cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam. Trước thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, đại diện công ty IBG cho biết, công ty vẫn "đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý". |