Việt Nam là thị trường tiềm năng của mô hình “New Retail” (Bán lẻ mới)
“Bán lẻ mới” vốn là một thuật ngữ do Jack Ma đặt ra vào năm 2016 để diễn đạt cách xây dựng hệ sinh thái của Tập đoàn Alibaba trên cơ sở tích hợp online và offline thông qua công nghệ. Đó là ý tưởng kết hợp bán lẻ truyền thống với bán lẻ trực tuyến trong một trải nghiệm thống nhất và được định hướng bởi dữ liệu.
Với người tiêu dùng, bán lẻ mới rất đơn giản: nó sẽ mang lại mọi thứ họ muốn vào bất cứ lúc nào họ cần bằng bất kỳ cách thức phục vụ nào phù hợp với họ, dù là tại điểm bán hiện hữu hay thương mại điện tử.
Masan sở hữu nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng được ưa chuộng. |
Theo báo cáo của Deloitte, năm 2020, Việt Nam được xem là hiện tượng tăng trưởng vượt bậc trong ngành bán lẻ tại khu vực Đông Nam Á. Số liệu của Bộ Công thương cũng cho thấy, trong tổng mức hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 79% và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong tầm nhìn dài hạn, quy mô dân số Việt Nam tăng 2% mỗi năm, dự báo đạt 106 triệu dân vào năm 2050 sẽ là dấu hiệu tốt cho các nhà bán lẻ khi thị trường được mở rộng.
Trong khi đó, đại diện Kantar Worldpanel cho biết, kênh thương mại điện tử mặc dù tăng trưởng ấn tượng 91% nhưng chỉ chiếm 2,3% thị phần đối với toàn ngành hàng FMCG (tiêu dùng nhanh). Tuy nhiên, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt đã thay đổi trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Từ đó, kênh bán hàng truyền thống cũng thay đổi do người dân vẫn có tâm lý e ngại việc tiêu dùng bên ngoài. Khách hàng bắt đầu ưu tiên sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu trong giai đoạn trước mắt hơn là sản phẩm xa xỉ. Làn sóng Covid đã góp phần đẩy nhanh việc sử dụng các hình thức bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử.
Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2021, TGĐ Tập đoàn Masan – Ông Danny Le cũng đã chỉ ra điểm yếu của kênh bán lẻ truyền thống: “Kênh bán lẻ truyền thống (GT) hiện chiếm 90% thị phần mảng bán lẻ tiêu dùng ở Việt Nam. Đặc trưng của kênh thương mại này là quy mô nhỏ, phân tán và tiêu chuẩn dịch vụ còn nhiều hạn chế. Đồng nghĩa với việc người tiêu dùng hiện đang chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thiết yếu hàng ngày trong phân khúc nhu yếu phẩm (ăn uống và các dịch vụ thiết yếu khác)”.
Đẩy mạnh thương mại điện tử trên nền tảng Lazada, The CrownX như “hổ thêm cánh”? |
Thương vụ tạo Sức mạnh hiệp lực giữa VinCommerce và Lazada
The CrownX chính là nơi tích hợp nền tảng “Point of Life” cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm hệ thống bán lẻ (VinCommerce), FMCG (Masan Consumer), thịt có thương hiệu (Masan MEATLife) và trong tương lai là dịch vụ tài chính (Techcombank). Năm 2020, The CrownX đã trở thành doanh nghiệp tiêu dùng lớn thứ 2 tại Việt Nam với doanh thu xấp xỉ 2,5 tỷ USD và đang trên đà đạt được mức tăng trưởng 15%-30% trong năm 2021.
Mỗi ngày, VinCommerce (VCM) xử lí hơn 1 triệu giao dịch. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên 5-10 lần vào năm 2025. Khối lượng giao dịch đồ sộ này buộc The CrownX phải xây dựng một nền tảng bán lẻ tích hợp offline đến online. Vì thế, cùng với việc The CrownX bắt tay cùng Alibaba, VinCommerce sẽ hợp tác cùng Lazada – nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba. Đây là bước đi chiến lược, tạo tiền đề để The CrownX trở thành nền tảng bán lẻ tích hợp từ offline đến online (O2O) hàng đầu tại Việt Nam.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group chia sẻ: “Thỏa thuận hợp tác chiến lược sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi The CrownX trở thành một Point of Life – nền tảng “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là hiện đại hóa thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam, phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Tôi tin tưởng quan hệ hợp tác này sẽ giúp Công ty hiện thực hóa Point of Life nhanh chóng và hiệu quả hơn”.
Sản phẩm tại VinMart đáp ứng tiêu chí Tươi ngon thượng hạng. |
Theo thỏa thuận này, VinCommerce (VCM) sẽ trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên Lazada. Là mặt hàng được mua sắm và có tần suất sử dụng hàng ngày, nhu yếu phẩm chiếm 50% thị trường bán lẻ Việt Nam và 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Qua đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được phục vụ hàng hóa đáp ứng tiêu chí “Tươi ngon thượng hạng” dù mua sắm tại kênh online hay siêu thị/cửa hàng. Masan đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của The CrownX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng của Công ty trong thời gian tới.
Với hệ thống 2.500 điểm bán trên toàn quốc, tích hợp cùng nền tảng công nghệ của Lazada sẽ giúp cho VCM tiếp cận thêm 20 triệu khách hàng mới. Đồng thời, VCM sẽ tận dụng các cửa hàng hiện hữu để góp phần hiện đại hóa ngành bán lẻ Việt Nam. Khách hàng sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mua sắm thú vị, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc mua sắm sản phẩm tiêu dùng hàng ngày nhờ giảm bớt các khâu trung gian.