• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vingroup giảm lãi do ảnh hưởng của COVID-19, doanh thu VinFast và Vinsmart tăng gấp ba lần

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có doanh thu và lợi nhuận trong quý II/2020 lần...

Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020. Ở kỳ báo cáo này, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn còn “ngấm đòn” nhưng sức khoẻ doanh nghiệp đã khả quan hơn.

Lợi nhuận thấp nhất 5 năm qua

Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vingroup ghi nhận 23.207 tỷ đồng. Doanh thu tăng 51% so với quý I/2020 nhưng lại giảm đến 40,8% so với quý II/2019.

Mức giảm so với năm ngoái có thể giải thích do tập đoàn này mất hẳn nguồn thu từ hoạt động bán hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Cùng kỳ năm ngoái, khoản này đóng góp tới gần 18% tổng doanh thu. Nếu giảm trừ mảng bán lẻ ra trong quý II/2019, doanh thu của quý II/2020 vẫn giảm 28%.

Giá vốn bán hàng vẫn có tỷ lệ lớn so với doanh thu, lên đến 8/10. Vingroup tốn giá vốn chủ yếu cho bất động sản chuyển nhượng (49% tổng giá vốn), hoạt động sản xuất (25% tổng giá vốn) và cung cấp dịch vụ khách sản, du lịch, vui chơi, giải trí (13,5% tổng giá vốn).

Mất đi mảng bán lẻ hầu như không ảnh hưởng nhiều đến tình hình chung của Vingroup. Ảnh: Tất Đạt
Mất đi mảng bán lẻ hầu như không ảnh hưởng nhiều đến tình hình chung của Vingroup. Ảnh: Tất Đạt

Trong quý II/2020, chi phí thường xuyên được Vingroup cân bằng khá tốt. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn 11% và chi phí tài chính cũng giảm 27% so với quý I/2020. Phần lỗ trong công ty liên kết rút ngắn từ 122,7 tỷ đồng về 41 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở kỳ báo cáo này, Vingroup ghi nhận chi phí lãi vay tăng đáng kể. Từ mức 2.618 tỷ đồng trong quý trước, chi phí lãi vay đã tăng 13,5% lên mức 2.971 tỷ đồng. Mức này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng tăng so với quý trước.

Tổng lại, Vingroup ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ 848,8 tỷ đồng. Mức này tuy tăng 68% so với quý trước nhưng lại đi lùi tới 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, Vingroup thu về 38.576 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.354 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hai con số này lần lượt giảm 36,8% và 60,2% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng lãi ròng trong 6 tháng đầu năm nay là khoản lợi nhuận bán niên thấp nhất của Vingroup kể từ năm 2016.

Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vẫn đạt 2.305 tỷ, chỉ giảm 4% do các cổ đông không kiểm soát phải chịu khoản lỗ 950 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do Vingroup thực hiện nhiều hoạt động chuyển nhượng các khoản đầu tư và bán các công ty con khiến lợi ích của cổ đông không kiểm soát bị thâm hụt.

 

VinFast và Vinsmart vẫn lỗ 2.000 tỷ đồng

Về cơ cấu doanh thu, Vingroup vẫn phụ thuộc nhiều vào mảng bất động sản. Trong đó, “xương sống” là hoạt động chuyển nhượng bất động sản với 16.577 tỷ đồng, chiếm 71,4% tổng doanh thu. Ngoài ra, doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan cũng góp gần 6% cho tổng doanh thu của tập đoàn này.

Ở kỳ báo cáo này, “con cưng” VinFast và Vinsmart vẫn giữ được nhịp điệu như kỳ vọng. Mảng hoạt động sản xuất đem về cho Vingroup 2.899 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 12,5% tỷ trọng. Đây cũng là thời điểm tròn một năm, VinFast và Vinsmart giữ vị trí á quân về doanh thu cho Vingroup.

So với cùng kỳ năm trước, mảng sản xuất của nhà Vin đã tăng gấp ba lần doanh thu. Đây còn là kỳ thứ 6 liên tiếp, mảng này giữ được doanh thu ở con số hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng so với quý I/2020, mức doanh thu này đã giảm 11%.

VinFast bắt đầu góp tên trong bảng xếp hạng xe bán chạy trong thời gian gần đây. Ảnh: Tất Đạt
VinFast bắt đầu góp tên trong bảng xếp hạng xe bán chạy trong thời gian gần đây. Ảnh: Tất Đạt

Trước đó, hãng sản xuất xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố doanh số bán hàng trong tháng 6/2020. Tổng số xe bán ra là 2.170 xe, gồm 1.364 xe Fadil, 467 xe Lux A2.0 và 339 xe Lux SA2.0.

Còn với Vinsmart, đến cuối tháng 5/2020, doanh số bán hàng đã hơn 1,2 triệu điện thoại sau 17 tháng gia nhập thị trường. Các mẫu điện thoại cũng lần lượt góp mặt trong bảng xếp hạng bán chạy tại các chuỗi bán lẻ lớn.

Chưa rõ, liệu doanh thu sụt giảm của mảng xe điện, xe hơi, điện thoại, tivi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hay có liên đới với việc Vingroup tập trung sản xuất máy thở. Hồi tháng 4/2020, Vingroup tuyên bố đưa một số dây chuyền của VinFast và Vinsmart sang tập trung sản xuất máy thở. Ba tháng sau, phía ông Vượng đã cho ra khoản 1.000 máy thở xâm nhập Vsmart VFS-510.

Bên cạnh đó, khi tính về lợi nhuận gộp, mảng sản xuất vẫn đang chìm trong thua lỗ. Với giá vốn gấp 1,7 lần doanh thu, VinFast và Vinsmart tính chung đang lỗ 2.046 tỷ đồng trong quý II/2020. Mức lỗ này tăng 1,8 lần so với quý trước. Chưa rõ khoản lỗ gia tăng này có phải đến từ chương trình lấy xe cũ đổi xe mới mà VinFast đã triển khai ở quý vừa rồi hay không.

Mảng cung cấp dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi và giải trí của Vingroup trong quý II/2020 “ngấm đòn” lớn vì cao điểm dịch COVID-19. Doanh thu thuần lùi về 804,6 tỷ đồng, giảm đến một nửa so với quý liền trước và giảm 2,8 lần nếu so với cùng kỳ năm ngoái.

Trừ giá vốn ra, Vingroup phải bù lỗ đến 1.846 tỷ đồng cho Vinpearl, Vinpearl Travel, Vinwonders,…
Đáng nói, trong kỳ báo cáo lần này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chưa cho giải thể Công ty Cổ phần Hàng không Vinpaerl Air. Đây là đơn vị chủ quản của hãng bay Vinpaerl Air từng gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải, xin rút khỏi lĩnh vực hàng không vào đầu năm nay.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình lên Thủ tướng kết quả thẩm định hồ sơ dự án hãng hàng không Vinpearl Air của Vingroup. Hãng bay này đã cất công chuẩn bị trong gần nửa năm nay, từ việc tuyển sinh phi công, kế hoạch mở đội bay, cân đối lỗ lãi đến xin giấy phép,…

TẤT ĐẠT

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật