Tính đến thời điểm 10h21, VN-Index tăng gần 13 điểm và đã đạt mức 1.204,71 mức cao nhất trong lịch sử giao dịch của chỉ số này. Mức cao nhất của VN–Index trước đó là tại 1.204,33 điểm đạt được hôm 9/4/2018.
Tại sàn Hà Nội, chỉ số giảm nhẹ và ở rất gần mốc tham chiếu. HNX-Index lúc này đang ở mức hơn 286 điểm.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 27 mã tăng giá, trong khi chỉ có 2 mã giảm giá. Các mã tăng mạnh có thể kể đến như VHM và VRE đều tăng hơn 2%, VNM tăng 2%. Các mã VCB, SSI, HPG, MWG... cũng diễn biến rất tích cực.
Mặc dù vậy, cặp đôi FLC và ROS bị chốt lời mạnh khi đều giảm sâu, trong đó, FLC có thời điểm còn về mức giá sàn. Cổ phiếu nóng khác gần đây là STB cũng đang chìm trong sắc đỏ. Hiện ba mã này đang hút giao dịch nhất khi thanh khoản đứng đầu HOSE, khớp từ 14 đến 20 triệu đơn vị.
Tại nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, sắc xanh cũng lan tỏa ra nhiều mã cổ phiếu như MSB, VPB, TPB, MBB, BID, SGB, VIB, HDB....
Tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, các mã trụ cột đều ở chiều tăng giá như HCM, SSI, SHS, CTS, VCI, FTS, BVS... Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, các mã OIL, BSR, PVB, PVC, PLX đang ở chiều tăng giá.
Sau khi tăng lên hơn 1.205 điểm, chỉ số VN–Index tại thời điểm 10 giờ 30 phút hiện còn gần 1.203 điểm. Trong khi đó, HNX - Index nới rộng đà giảm xuống còn gần 286 điểm.
Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ hầu hết tăng điểm trong phiên giao dịch 31/3 sau khi Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD và giá dầu quay đầu giảm.
Khép phiên này, tại thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ), chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,4% lên 3.972,89 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,5% lên 13.246,87 điểm, nhưng chỉ số công nghiệp Dow Jones lại giảm 0,3% xuống 32.981,55 điểm, theo TTXVN.
Theo nhận định của KBSV, cơ hội xác nhận lại xu hướng tăng điểm ngắn hạn và chinh phục mốc đỉnh lịch sử 1.210 điểm sẽ chỉ trở nên rõ nét hơn nếu VN-Index có thể vượt vùng cản quanh 1.190 điểm trong phiên ngày mai.