Guồng quay khắc nghiệt của cuộc sống và sự bận rộn đã khiến những phút giây trò chuyện giữa cha mẹ với con cái trở nên khó khăn hơn nhiều. Cuốn sách “Gỡ lỗi” cha mẹ trong giao tiếp với con của tác giả Linh Phan sẽ giúp các bậc phụ huynh học hỏi kỹ năng giao tiếp và trò chuyện để thấu hiểu con em mình hơn.
“Gỡ lỗi” cha mẹ trong giao tiếp với con là một cuốn sách về lĩnh vực nuôi dạy con mới nhất của tác giả Linh Phan. Tác phẩm này giúp cha mẹ tự rút ra cho bản thân những bài học về cách giao tiếp và trò chuyện với con – một kỹ năng quan trọng trong việc làm cha mẹ mà không phải ai cũng để ý đến.
Thật vậy, trẻ em dựa vào lời nói của người lớn để giải thích về thế giới. Ví dụ: “Nồi nước nóng đấy, con đừng động vào”, “Chúng ta có thể đi khi đèn đường chuyển sang màu xanh”. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu con nghe chúng ta nói: “Đồ ngu, sao lại động vào đó?”, “Có muốn chết không mà đi đứng như vậy?”, “Con làm bố mẹ tức điên”.
Hoặc tệ hơn nữa: “Biết thế tôi đã không sinh nó ra”, “Nó không bao giờ làm việc nhà, lười chảy thây!” Trẻ sẽ tin những điều đó. Tin ngay lập tức. Ngay cả khi trẻ không thể hiện ra, hoặc trẻ hành động như thể không quan tâm, thì ở một mức độ nào đó, trẻ tin tất cả những gì mà cha mẹ nói với chúng hoặc nói về chúng.
Để thực sự giao tiếp với con hiệu quả, điều đầu tiên cha mẹ phải vượt qua là thấu hiểu con, đó cũng là nội dung chương 1 của quyển sách này. Tại chương 1, bạn sẽ được đi qua 3 mục nhỏ để hiểu con sao cho đúng: Từ 0 - 6 tuổi: Con là trung tâm thế giới, từ 7 - 11 tuổi: Con không phải trẻ con! Từ 12 tuổi trở lên: Những “em bé người lớn”.
Trong chương này Linh Phan nỗ lực chia sẻ những kiến thức và thông tin đơn giản mà cần thiết về các giai đoạn phát triển của trẻ, từ đó giúp cha mẹ hiểu con cái mình qua mỗi độ tuổi.
Ở chương 2: “Nói sao cho đúng”. Phụ huynh sẽ được hướng các phương pháp thực hành liên quan tới việc giao tiếp, trò chuyện và ứng xử với con thông qua lời nói trong đời sống hằng ngày và các tình huống cụ thể.
Đến chương 3: “Không thể tin tôi đã nói với con như vậy” sẽ nêu ra những điều mà cha mẹ nên làm và nên tránh khi nói chuyện với con và xây dựng văn hóa giao tiếp trong gia đình.
Mỗi môt giai đoạn trưởng thành của trẻ em đều không thể thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Đặc biệt ở những đứa trẻ mắc các chứng rối loạn như rối loạn giao tiếp, rối loạn ngôn ngữ, chứng khó đọc…thì càng cần được sự quan tâm và trò chuyện đúng cách của gia đình. Chương 4 sẽ giúp phụ huynh giải quyết các vấn đề này một cách rõ ràng và chi tiết nhất.
Đọc cuốn sách, có lẽ ít nhiều các ông bố bà mẹ sẽ tự cảm thấy hóa ra từ trước tới nay, bản thân mình làm cha mẹ vẫn chưa ổn. Nhưng thay vì chăm chăm tự trách mình, thì hãy thức tỉnh và tìm kiếm các phương thức giao tiếp và giáo dục con tốt hơn.
Như tác giả có nói: “Chúng ta làm cha mẹ có ổn hay không là phụ thuộc vào việc chúng ta có hiểu được những gì đang xảy ra trong tâm lý và cuộc sống của con mình. Và sự thấu hiểu này lại xuất phát trực tiếp từ việc chúng ta có thể giao tiếp với con sâu sắc đến mức nào để có thể tìm được cách trò chuyện về những vấn đề khó nói, đồng thời khiến con cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ.”
Bạn có thể đã từng quát mắng con, và hối hận. Bạn có thể từng không tin mình đã nói với con như vậy. Không sao cả! Khi nhận biết bản thân mình cần sửa chữa cũng là lúc con đường làm cha mẹ một cách nhẹ nhàng, tích cực và tôn trọng con được mở ra. Tác giả hy vọng mình sẽ truyền cảm hứng để bạn tìm kiếm và sử dụng các phương pháp tiếp cận – công cụ giao tiếp với trẻ một cách tốt nhất.
Gỡ lỗi” cha mẹ trong giao tiếp với con là một cuốn sách có nội dung tập trung về giao tiếp, trò chuyện nhẹ nhàng, nó khiến cho người đọc tự rút ra những bài học về việc dạy con. Bởi thế giới của con em bạn có rất nhiều sắc màu với các gam màu sáng, tối khác nhau. Muốn hiểu được những màu sắc trong con, cha mẹ đôi khi cũng nên ngẫm nghĩ và dành thời gian trò chuyện để hiểu con hơn.
“Hy vọng mình có thể tiếp tục viết những cuốn sách tiếp theo để chia sẻ với các bậc cha mẹ về kỷ luật nhẹ nhàng (không đòn roi, không hình phạt), giấc ngủ nhẹ nhàng, thói quen ăn uống nhẹ nhàng, tích cực và xử lý nhẹ nhàng những khủng hoảng của tuổi mầm non.” Linh Phan nhắn nhủ.