Dạy và học online, hầu hết giáo viên và học sinh trên toàn quốc gần hai tháng qua phải làm quen điều đó.
Đó là một hình thức dạy và học thích ứng, thậm chí bất khả kháng trong thời kỳ cả nước chống dịch. Nhưng hiệu quả của nó đến đâu? PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã nói rất đầy đủ về vấn đề này.
Khi phân tích các dữ liệu khảo sát và những trường hợp nghiên cứu sâu về dạy học online trong 4 tuần qua, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều vấn đề thuộc về phương pháp dạy học (PPDH) chưa được thích nghi, chuyển đổi phù hợp từ dạy “truyền thống” sang dạy học online.
Ảnh: Internet |
Ở đây tôi xin viết ra một số ý như sau:
- Chuyển đổi mục tiêu dạy học.
Rất nhiều giáo viên (GV) và phụ huynh (PH) vẫn chưa thay đổi mục tiêu học tập nói chung, mục tiêu bài dạy nói riêng trong khi họ đang tiến hành học online.
- Chẳng hạn, ở học tập truyền thống, chúng ta chẳng mấy khi quan tâm đến “thái độ tự học”, hay “kiểm soát an toàn môi trường học, công cụ học tập”, “sức khỏe vận động” thì nay trong giờ học online chúng ta phải quan tâm.
Lớp của con tôi đã nhận ra việc này sau 3 tuần diễn ra tình trạng: Học sinh (HS) xem những nội dung khác bài học, chat với nhau, ngồi máy tính quá nhiều dẫn đến mệt mỏi, ăn trong giờ học,... Vì thế PH và GV đã phải họp lại, để cùng xây dựng một nội quy mới. Có gia đình còn cài lại máy tính, để hạn chế con tự do sử dụng các ứng dụng khác. Giáo viên cũng học thêm các kĩ năng giám sát lớp học.
- Đồng nghiệp của tôi có đặc thù dạy toán tiểu học. Chúng tôi phải thiết kế lại bài học, để đan xen các hoạt động vận động cùng với các trò chơi, và giáo viên cũng phải học các kĩ năng này. Vì thế, các HS không bị mệt, không bị giảm chức năng của thị giác.
- Ngay cả kiến thức cũng cần được “chế biến lại”. Khi tôi dự giờ một số đồng nghiệp, tôi thấy họ dường như không muốn bớt điều gì cả, thế là họ vẫn giảng đầy đủ, chỉ khác là HS sẽ đối mặt với slide cùng với khuôn mặt của GV. Và đó là điều dẫn đến các giờ học online mất đi thế mạnh “phân hóa”, “tự học có hướng dẫn” với sự hỗ trợ của CNTT.
- Các kĩ thuật dạy học mới.
Trong tuần đầu tiên dự giờ, chúng tôi thấy các tiết học toán diễn ra “một chiều”, các GV ra bài tập, giảng,... Kĩ thuật dạy học phải đồng bộ với mục tiêu. Giờ học online cần được tiến hành kiểu “lớp học đảo ngược”, sự hứng thú của người học dựa trên các tương tác kiểu trò chơi, phân hóa, tạo nhóm hợp tác.
Các kĩ thuật cần hiệu ứng công nghệ cao.
- Chúng tôi rất tiếc khi thấy rất nhiều GV toán đã không dùng đến các phần mềm dạy toán để tích hợp vào dạy học.
- Chúng tôi cũng thấy ít giáo viên dùng kĩ thuật “đóng vai”, “trợ giảng” để áp dụng.
Khi chúng tôi tập huấn, sản xuất mẫu cho đồng nghiệp sử dụng những test nhanh (Quizizz), Kahoot, ... hay những ppt, thì họ đã thay đổi sự hấp dẫn rất lớn. Chẳng hạn, con gái tôi, hay những học sinh tiểu học của chúng tôi cũng đã tự tạo ra các test nhanh, trợ giảng cho các bạn, cho giáo viên. Một lớp học chủ động như thế mới là lớp học online chúng ta chờ đợi.
Ảnh: Tiền Phong |
- Đánh giá
Đánh gía không phải chỉ để “xem HS đạt mục tiêu thế nào” mà còn có chức năng phản hồi quá trình dạy học. Vì thế, khi dạy online thì bắt buộc phải thay đổi công cụ đánh giá, nhất là đánh giá thường xuyên việc học, đánh giá cả việc chủ động, tiến bộ về kĩ năng sử dụng CNTT. Nếu chúng ta cứ chờ đợi GV hỏi HS trả lời, và HS thực hiện các bài test thì chắc là không hiệu quả. Một số giáo viên đã biết sử dụng công nghệ để đo được sự tham gia của HS vào lớp học, rồi HS có chủ động tham gia các hoạt động nhóm, có sử dụng các công cụ vào việc học hay không?, ... Điều này đòi hỏi kĩ năng sử dụng CNTT, đầu tư hạ tầng công nghệ nữa. Nhiều GV, Nhà trường chỉ tập trung “có công cụ” để dạy, mà quên mất ngay từ đầu cần thiết lập 1 chỉnh thể. Vì thế am hiểu về CNTT là điều bắt buộc
Công việc nào cũng cần sự chuyên nghiệp. Sau 1 tuần có thể chúng ta bỡ ngỡ, nhưng sau 40 giờ lao động mà chúng ta chưa kịp thời thay đổi thì thật sự đáng báo động.
Sự thực thì những dữ liệu chúng tôi có được cho thấy có kha khá tiết học, lớp học, trường học triển khai dạy online nhưng chưa thành công. Hôm nay tôi muốn viết về vai trò của quản lí. Trong đó, khâu quản lí đóng vai trò rất lớn trong nguyên nhân của “sự thất bại” này.
Không đầu tư hệ thống
Hệ thống ở đây là gì: là bao gồm công nghệ (phần mềm, nền tảng, cơ sở dữ liệu...), hạ tầng, cơ sở vật chất…, huấn luyện đội ngũ (người dạy, người quản lí, người học…)
Không ít Hiệu trưởng khá tích cực để chuyển đổi, yêu cầu triển khai dạy học online cho trường mình. Tuy nhiên, họ chỉ biết “có công cụ, dễ dùng” là được, trong khi quên mất rằng, “nếu không có hệ thống” thì không thể “giám sát”, “hỗ trợ” lẫn nhau được. Vì thế mới có những tai nạn dở khóc, dở cười như truyền thông đã đưa, và còn nhiều trường hợp khác nữa mà người trong cuộc biết, cũng ngậm bồ hòn làm ngọt. Hệ thống đòi hỏi chúng ta phải đầu tư phần mềm chuyên dụng, nâng băng thông, … và đầu tư “sản xuất nội dung” dạy học online, huấn luyện bằng được GV kĩ năng dạy học. Như thế, không thể thờ ơ và bằng lòng với việc dạy online tức là có máy tính/ smartphone và internet là được.
Hơn nữa, ở Việt Nam, đầu tư và đảm bảo điều kiện thực hiện cho nhà trường thuộc về địa phương. Chúng tôi chưa có thống kê đầy đủ để khẳng định: để chuẩn bị cho ứng dụng CNTT trong dạy học nói chung, dạy học trực tuyến nói riêng, đã có bao nhiêu Tỉnh/ Thành phố đầu tư một hạ tầng hoàn chỉnh, bao nhiêu nhà trường đầu tư mua các nền tảng có bản quyền để đảm bảo an toàn, an tâm cho người dạy và người học, … Rồi có bao nhiêu GV được tập huấn mà sau đó họ đạt Chuẩn để thực hiện? Hay chếnh choáng vì tập huấn nhưng lại thành “phổ biến kiến thức” với hàng trăm người nghe, còn rất ít người hướng dẫn họ thực làm, …?
Tại sao thực tế một HS học online có hướng dẫn của nhà trường mà mỗi GV dùng một app?
Tại sao có GV rất tuyệt vời , dù họ đã U60 nhưng vẫn thuyết phục người học bằng bài giảng đạt tiêu chuẩn, còn có những GV mới U30 lại chiếu bản words cho HS và yêu cầu chép (mà không phải 1 lần), ….
Ảnh: internet |
Thiếu giám sát, đánh giá.
Nhà quản lí không thể nơi lỏng việc giám sát chuyên môn. Theo chân một vài hiệu trưởng đi dự giờ online mới thấy rõ điều đó. Một người dự giờ lập tức sẽ phát hiện ra GV có làm đúng, làm đủ những gì cần phải tuân thủ hay không, rồi ở một mức độ “hiểu biết” “khách quan”, nhà quản lí phát hiện những lỗ hổng trong việc dạy học để điều chỉnh hệ thống của mình.
Ngay cả ở hệ thống của tôi, bộ phận chuyên nghiệp đào tạo cũng không ngừng dự giờ. Tuần vừa rồi, khi họ báo cáo với tôi chỉ dự được gần 50% tiết học trực tiếp, phát hiện ra một giờ học GV đã “cắt bớt một bước dạy”, “một GV khác thụ động điều khiển học trò, không cùng thực hiện”, họ đã thấy áy náy. Và đặc biệt, họ nhận ra, họ phải cải tiến nhiều “tài nguyên” để GV dễ dùng hơn khi dạy học.
Tiếc là, không phải nhà quản lí nào cũng quan tâm đến điều này. Tôi có nhận được những phản hồi của PH vì họ thấy có những GV dạy đến tiết thứ 3 của con họ mà cũng không hề thay đổi phương pháp, nhà trường cũng chưa hề tác động gì đến GV để họ thay đổi.
Phối hợp Gia đình – Nhà trường trong giáo dục chưa tốt
Chúng tôi cố tìm ra những “thông báo, nội quy, … mới, đặc sắc riêng của trường” khi triển khai dạy học online, nhưng chúng tôi tìm được rất ít. Nhiều gia đình lúng túng khi không biết phải thiết lập không gian học, tài liệu học, hỗ trợ con học, giám sát con học thế nào. Và GV cũng vậy, đôi lúc họ thấy bơ vơ, một mình một ngựa rong ruổi chinh phục việc dạy.
Tôi nhận được thông tin một cháu bé 10 tuổi nói với mẹ con phải học online, bà mẹ tính ra rằng hàng ngày con học 5 tiết. Nhưng bà mẹ lại không biết rằng con chỉ học 3 tiết, nhưng đứa trẻ đó mở youtube, mở game, và rất chăm chú “học”.
Nhưng cũng không ít trường cứ bê nguyên thời khóa biểu để mà triển khai dạy học online, khiến người người thắc mắc: “Để đảm bảo sức khỏe” thì bao nhiêu thời gian là vừa cho việc học online này?
Lại nữa, không ít trường đã tiến hành họp online, rồi tư vấn cho PH về chăm sóc sức khỏe, giám sát con học thế nào, nhưng cũng khá nhiều trường chẳng hề động chạm đến. Nghĩa vụ phải học thì học, phải dạy thì dạy, …
Khi hỏi tâm tư của những người trong cuộc, chẳng ít người nói với tôi rằng “học online dịp này là tạm bợ”, hết dịch thì lại học lại. Tôi tiếp nhận thông tin này nhưng không đồng tình. Trong giáo dục chẳng có cái gì là tạm bợ hết. HS chỉ học 1 lần, bài đó, nội dung đó, với người GV đó, vào lúc đó, … HS không chỉ học kiến thức đâu, học online kiến thức lại càng không phải chủ đạo, mà các em học qua trải nghiệm một lần tiếp xúc với một hệ sinh thái chứa đựng kiến thức đó. Các em sẽ thu hoạch được những gì: hiểu không đúng về việc học online, về CNTT, về thái độ với công việc, với việc học, … hay lại thấy mình đang tham gia một sự tạm bợ, …
Đừng quên, các HS vẫn đang trưởng thành trong những tháng ngày này, và tuổi này không bao giờ quay lại lần thứ hai trong đời các em nữa.