1. Phân biệt cúng cô hồn và lễ Vu Lan
Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa Một Cột (hay chùa Diên Hựu, quận Ba Đình, Hà Nội), tín ngưỡng dân gian Việt Nam coi tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn hay tháng ma quỷ. Tức đây là thời điểm các linh ồn được tự do quay lại dương gian. Chúng tìm mọi cách để xâm nhập trở lại dương thế thông qua cướp, ràng buộc linh hồn người sống.
Vì lẽ đó mà người dân Việt có lệ cúng thí thực cô hồn trong tháng 7 âm lịch nhằm mục đích trừ tà, xua đuổi xui xẻo và cầu an. Người dương gian chuẩn bị lễ vật cúng cô hồn thường gồm: cháo, gạo, muối, khoai, lạc, ngũ cốc … cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống.
Còn trong đạo Phật thì tháng 7 âm lịch là tháng của mùa Vu Lan báo hiếu, gắn liền với chuyện của Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ diễn ra từ thời Đức Phật còn tại thế. Do hai lễ này được nhiều nơi tiến hành vào ngày Rằm tháng 7 nên nhiều người thường lầm tưởng rằng 2 lễ đó là một.
Theo quan niệm dân gian, khoảng thời gian từ mùng 2/7 là thời điểm Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan, thả cửa cho ma quỷ lên dương thế.
Đến sau 12 giờ đêm của ngày rằm tháng 7 (tức 15/7 âm lịch), các linh hồn, ma quỷ phải quay lại địa ngục. Chính vì thế mà việc lựa chọn thời điểm cúng cô hồn không thể tùy tiện.
2. Cúng Rằm tháng 7 vào ngày 14 hay 15 âm lịch?
Như đã nói ở trên, cửa địa ngục mở từ ngày 2 -14/7 âm lịch. Khi đó, các cô hồn được xá tội tìm cách quay trở lại dương thế, vong hồn vảng vất khắp nơi nhân gian. Cũng ngay tại thời điểm này mà nhiều nơi có phong tục tập quán cúng các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa để cuộc sống bình an, không bị ma quỷ quấy nhiễu.
Đúng ngày rằm tháng 7, Phật tổ xá tội vong nhân trong vòng 1 ngày. Mọi linh hồn kể cả tội lỗi, quỷ dữ đều được tự do. Vì thế, nhiều nơi dành riêng ngày 15/7 âm lịch chỉ để cúng thí thực cô hồn. Nhưng mâm cỗ phải để ở ngoài cửa, cổng nhà, chứ không để trong nhà, tránh trường hợp vong hồn “không mời mà đến”.
Nhiều nơi thường cúng thổ công, gia tiên, ông bà, trước ngày 15/7 âm lịch. Lý do là vì họ quan niệm, nếu cúng đúng vào ngày rằm, sợ rằng sẽ bị những linh hồn này phá phách, rước thêm âm binh và cô hồn vào trong nhà mình.
Hơn nữa, vì có rất nhiều vong hồn đi lang thang nên nếu hóa vàng mã vào ngày này dễ bị cướp, người thân khó nhận, nên hạn chế tiến hành nghi lễ cúng gia tiên. Do vậy, trên quần áo, đồ đạc hàng mã thường sẽ ghi rõ tên người nhận, khi cúng cũng đọc rõ tên và xin phép các thần linh thổ địa cho phép vong vào nhận đồ, cúng trước và hóa trước để người thân dễ nhận được.
3. Cúng Rằm tháng 7 vào giờ nào mới chuẩn xác?
Theo Đại đức Tâm Kiên, lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên nên thực hiện ban ngày. Còn lễ cúng thí thực cô hồn vất vưởng nên cúng vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng, đây là theo quan niệm của dân gian, bởi ban ngày có ánh sáng, ánh nắng mặt trời rất mạnh trong khi các cô hồn được "mở cửa ngục" thả ra rất yếu.
Vậy nên, nếu cúng ban ngày, các cô hồn vì sợ ánh sáng, ánh nắng sẽ không dám đến đón nhận những đồ vật phẩm cúng bố thí của các gia đình.
4. Cúng rằm tháng 7 ở nhà hay ở chùa trước?
Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã từng dạy rằng: “Ngày rằm tháng 7 không phải ở chỗ mâm cao cỗ đầy, mà ở thái độ và lương tâm của mỗi người".
Riêng việc thiết lập mâm lễ cúng cho những cô hồn chưa siêu thoát thì nên thực hiện vào buổi chiều tối. Mâm lễ cúng cô hồn nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài bậu cửa, hạn chế mời vong linh, cô hồn vào nhà.
Trường hợp không muốn cúng cô hồn tại nhà có thể cúng tại chùa. Việc cúng Vu Lan báo hiếu tại tư gia nên thực hiện theo trình tự: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và phóng sinh.