• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi tìm thủ phạm gây ra các vụ cháy nổ điện thoại

Hàng loạt vụ nổ điện thoại gây chết người gần đây đã dấy lên nỗi lo về an toàn khi sử...

Điện thoại phát nổ ngày càng gia tăng

Điện thoại phát nổ trong lúc sạc không phải là trường hợp hy hữu. Nó có thể xảy ra với smartphone của bất kỳ hãng nào. Mới nhất là vụ nổ điện thoại iPhonetại huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng anh Phạm Thế Tài (18 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) tử vong.

Điện thoại iPhone của anh Tài sử dụng và đây là hiện trạng của nó sau khi phát nổ
Điện thoại iPhone của anh Tài sử dụng và đây là hiện trạng của nó sau khi phát nổ

Khuya 2/10, anh Tài vừa sạc pin điện thoại iPhone vừa sử dụng. Một lúc sau, chiếc điện thoại phát nổ. Vụ việc khiến thanh niên đang làm thuê cho trang trại cá tầm ở xã Liêng Srônh tử vong. Đây là trường hợp nổ điện thoại trong lúc sạc thứ 3 được ghi nhận trong hai tháng trở lại đây tại Việt Nam. Trong đó, có hai trường hợp, người sử dụng điện thoại phải thiệt mạng.

Trước đó 4 ngày, UBND xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cho biết trên địa bàn xã xảy ra vụ nổ điện thoại làm một người chết. Nạn nhân là ông Lê Văn Giang (SN 1993). Ông Giang chết khi đang nằm trên giường ngủ, bên cạnh chiếc điện thoại bị nổ, cháy đen phần khung.

Qua khám nghiệm, lực lượng chức năng nhận định nạn nhân tử vong do điện thoại phát nổ khi vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin. Chiếc điện thoại nạn nhân sử dụng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngày 10/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết đang điều trị cho bệnh nhân N.H.Y (SN 1994, trú xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị), bị bỏng nặng 30%.

Trước đó, vào tối 7/9, Y. vừa sạc điện thoại vừa chơi game thì điện thoại phát nổ khiến Y. bị nát bàn tay trái, mặt bỏng nặng. Sau khi điện thoại nổ gây bỏng, Y hoảng hốt bỏ chạy vấp phải nước sôi gây bỏng thêm phần chân, lưng. 

Đa số những vụ nổ điện thoại đều là iPhone
Đa số những vụ nổ điện thoại đều là iPhone

Vào tháng 6, một chiếc iPhone khác cũng bất ngờ phát nổ khi đang sạc tại Sơn Động, Bắc Giang. Chủ nhân chiếc máy là anh Trần Văn Hậu, 38 tuổi. Nghe tiếng kêu cứu, gia đình chạy lại băng bó bàn tay phải đang chảy máu không ngừng rồi chuyển anh Hậu đến BV đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu.

Tại BV, bệnh nhân được chẩn đoán gãy xương, tổn thương phần mềm bàn tay phải. Hay như vụ nổ điện thoại vào giữa tháng 1/2019 ở Nam Định. Nạn nhân là nam thanh niên Vũ Minh G. (17 tuổi). Vụ việc xảy ra vào thời điểm giữa trưa khi G. ngồi trên giường vừa dùng điện thoại vừa cắm sạc.

Trên thế giới cũng ghi nhận không ít trường hợp người dùng bị chấn thương, tử vong khi sử dụng điện thoại trong lúc sạc. Ngày 30/9, Daily Mail đưa tin cô gái 14 tuổi Alua Asetkyzy Abzalbek - người Kazakhstan - qua đời trong khi ngủ với chiếc điện thoại bị nổ sát bên đầu. Chiếc điện thoại được Alua cắm sạc trước khi ngủ. Cảnh sát cho biết vụ nổ khiến đầu của Alua bị chấn thương nặng và nạn nhân chết ngay sau đó.

Ngày 26/9, Daily News đưa tin về vụ nổ điện thoại gây chết người khác ở Thái Lan. Cảnh sát quận Nong Bua Daeng, tỉnh Chaiyaphum nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông nói rằng cháu trai của ông tử vong trên giường.

Cảnh sát đã tới nhà người đàn ông này và phát hiện thấy cháu trai của ông - Sunthee (18 tuổi) đã ngừng thở. Đôi môi nạn nhân tái nhợt, bàn tay đặt trên ổ cắm điện đang cháy đen. Sau khi kiểm tra hiện trường, cảnh sát phát hiện một chiếc điện thoại di động đang cắm sạc nằm dưới cơ thể của Sunthee...

Không chỉ có việc sử dụng các dây sạc cắm trực tiếp vào ổ điện mới gây nguy hiểm mà cục sạc dự phòng cũng tiềm ẩn nguy cơ nổ rất lớn nếu người dùng không thật sự tỉnh táo. Vụ việc xảy ra tại tỉnh Đồng Nai vào ngày 17/6/2019, anh Nguyễn Văn D (SN 1997) đã phải nhập viện trong tình trạng bàn tay trái bị dập nát, biến dạng

Ở nước ngoài, có trường hợp bé gái 5 tuổi (sống tại Quý Châu, Trung Quốc) bị bỏng toàn bộ vùng mặt do chiếc điện thoại đang sạc pin gần đó bỗng dưng phát nổ. Các bác sĩ cấp cứu cho biết, vết thương của cháu bé rất nặng, khuôn mặt bé bị biến dạng và phải mang sẹo suốt đời.

Đâu là nguyên nhân? 

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ,  sạc pin điện thoại trong lúc điện thoại nóng sẽ dẫn đến quá nhiệt khiến điện thoại dễ phát nổ, việc vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin khiến nhiệt độ tăng lên nhanh chóng. Một số dòng điện thoại cũ không có tính năng tự ngắt sạc khi pin đầy nên dòng điện vẫn tiếp tục đi vào khiến pin bị nóng.

Trường hợp sạc pin điện thoại ở những nơi có nhiệt độ cao dẫn tới quá nhiệt hoặc những nơi ẩm thấp, nhiều hơi nước cũng khiến đầu sạc đánh lửa. Ngoài ra, cũng có thể  do điện áp tại khu vực không ổn định khiến dòng điện đi vào không đều hoặc điện chập chờn lúc mất lúc có khiến đầu sạc có những tia lửa điện tạo ra hồ quang cháy nổ tại vị trí chân sạc.

Đó là những cơ chế gây ra cháy nổ khi sạc pin điện thoại. Tuy nhiên, một trong những “thủ phạm" chính gây ra cháy nổ điện thoại là linh kiện sạc không rõ nguồn gốc.

Trao đổi với PV, đại diện hệ thống phân phối thiết bị di động FPT Shop khẳng định: “Việc sạc pin qua đêm cho điện thoại iPhone thực chất sẽ không hề nguy hiểm nếu như người dùng sử dụng bộ củ sạc và cáp sạc chính hãng đi kèm với máy hoặc được bán tại các đơn vị bán lẻ uỷ quyền của Apple vì nguồn gốc xuất xứ được đảm bảo 100% nhập khẩu trực tiếp từ hãng.

Tất cả những phụ kiện sạc cho thiết bị iPhone cần phải được hãng kiểm tra và cấp Chứng chỉ đạt chuẩn MFi (Made For iPhone/iPad/iPod) mới đảm bảo an toàn. Không hề ngẫu nhiên khi các đơn vị bán lẻ uỷ quyền của Apple luôn giúp các khách hàng đang sở hữu các thiết bị gặp vấn đề về pin, phần cứng gửi bảo hành miễn phí qua các Trung tâm Bảo hành Apple tại Việt Nam để thay thế linh, phụ kiện chính hãng, thay vì bảo hành và thay thế tại cửa hàng như những đơn vị nhỏ lẻ khác”. 

“Bên cạnh đó, một điều chắc chắn là Apple không cung cấp linh phụ kiện ra bên ngoài cho các cửa hàng nhỏ lẻ được phép thay thế. Đừng bao giờ tin cửa hàng nhỏ lẻ, không được hãng uỷ quyền chính thức nói rằng “Đây là phụ kiện/linh kiện chính hãng Apple” bởi điều này sẽ không bao giờ xảy ra”, đại diện FPT Shop cho biết

Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng của người Việt hiện nay đa số vẫn là giá rẻ thay vì sự đảm bảo về chất lượng cũng như an toàn khi sử dụng. Củ sạc dự phòng giá rẻ không hề có chức năng tự ngắt điện nếu quá tải, việc này sẽ gây nguy hiểm trực tiếp cho người dùng.

Điều này càng nguy hiểm hơn nếu người sử dụng có thói quen vừa dùng vừa sạc mà thiết bị sạc lại không phải là hàng chính hãng có xuất xứ rõ ràng. Người dùng sử dụng những thiết bị không rõ nguồn gốc không hề đảm bảo đúng tiêu chuẩn về chất lượng cũng như công nghệ sạc của hãng (nhằm cung cấp nguồn điện năng phù hợp và ổn định cho thiết bị) dẫn tới rủi ro chập cháy, phát nổ và gây nguy hiểm tới tính mạng.

Đáng lưu ý, tất cả các trường hợp đang sử dụng nhưng gây nổ, chập, cháy nguy hiểm tới sức khoẻ người dùng đều không được Apple/Đơn vị bán lẻ uỷ quyền của Apple hỗ trợ hoặc bồi thường thiệt hại nếu dùng những thiết bị, linh phụ kiện không rõ nguồn gốc, không phải hàng chính hãng.

Từ những lý do kể trên, khi chúng ta quyết định sở hữu một sản phẩm công nghệ như các thiết bị điện thoại di động thì điều tiên quyết phải là nguồn gốc xuất xứ và chế độ bảo hành cũng như uy tín của nhà bán lẻ. Đừng để bản thân và mọi người xung quanh phải chịu rủi ro từ chính chiếc điện thoại hàng ngày chúng ta sử dụng, hãy là người tiêu dùng thông minh.

Tràn lan thiết bị sạc pin ko rõ nguồn gốc trên thị trường:

Dạo một vòng quanh các con đường tại TP.HCM như Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), Ba tháng Hai (quận 10), Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp)... không khó để mọi người thấy được sự phát triển mạnh mẽ của các cửa hàng bán phụ kiện công nghệ nói chung và smartphone nói riêng.

Phụ kiện điện thoại được bày bán tràn lan
Phụ kiện điện thoại được bày bán tràn lan

Phụ kiện điện thoại hiện tại cực kì phong phú, từ cái ốp lưng cho tới sạc dự phòng, món nào cũng chia ra làm vài loại từ rẻ cho tới mắc, trung bình từ 50.000-120.000 đồng/dây sạc của iphone, chỉ bằng một nửa giá tiền so với những cửa hàng uy tín như FPT shop hay Thế giới di động. Bởi vậy người dùng rất khó biết được nguồn gốc và chất lượng thực sự của sản phẩm.

 Chúng tôi ghé vào hỏi mua một dây sạc pin tại một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong , quận 10 (TPHCM), có muôn ngàn thể loại từ hàng linh kiện với hàng chục thương hiệu lẫn không có thương hiệu...và đặc điểm chung là đều có chữ Trung Quốc. Chủ tiệm đưa ra rất nhiều mức giá cho mỗi chủng loại. Cuối cùng, chúng tôi chỉ còn biết nhắm mắt mua đại theo khả năng tài chính của mình chứ không kiểm tra được chất lượng.

Đối với hàng nhái, người mua dễ dàng tiếp cận được dây sạc,  của Apple, Samsung vì 2 hãng này có số lượng thiết bị phổ biến nhất trên thị trường. Và dĩ nhiên, người dùng không chuyên sẽ không phân biệt được đâu là thật và đâu là giả, chỉ cần thấy rẻ hơn là mua.  

PHƯỢNG LÊ

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật