Ông Nguyễn Thanh Long (68 tuổi) và bà Lê Thị Bích Thủy (64 tuổi) ở quận Gò Vấp, TP HCM là cặp đôi xuất hiện trong Mãi Mãi Thanh Xuân.
Ông Long dành tình yêu với bà Thủy bằng những chuyến phượt bất tận. Sở thích du ngoạn bằng xe máy đã ngấm vào máu hai con người này từ lâu.
Hơn 60 chuyến đi, 8 năm cùng nhau rong ruổi khắp các cung đường, ông bà đã đặt chân lên khắp bản làng Tây Nguyên, xuôi về miền Tây rồi ngược ra miền Trung.
Vợ chồng ông Long và bà Thủy. |
Hành trình đi phượt của ông bà nhen nhóm từ một lần tình cờ quen biết với đoàn phượt có tên Đi để trở về. Sau khi trở thành thành viên chính trong đội và nhận được sự cổ vũ của các bạn trẻ trong diễn đàn phượt, vợ chồng ông Long liền tân trang, sơn sửa lại con xe Dream II, tất tả đi mua đồ nghề phục vụ cho chuyến phượt đầu đời.
Lần đầu tiên, nhóm phượt xuất hiện một cặp đôi U60 hừng hực sức sống. Ông Long tỏ rõ là tay lái lão luyện không chịu thua ai. Trên suốt hành trình phượt từ đồng bằng hay trên đường đèo dốc, ông Long không cần sang tay và không hề nao núng với bất cứ con đèo nào.
Chuyến đi khó khăn nhất là thác Păng Tiêng, Xã Lát, Lạc Dương (Lâm Đồng). Hai vợ chồng ông bà phải trải qua những con dốc hết cao ngất lại đến sâu thẳm, còn đường đất băng rừng lổn ngổn đá hộc. Bấy nhiêu trở ngại đó có là gì bởi vì khi tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên thì bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến.
Chuyến nào cũng vui và mang đến những trải nghiệm khác nhau. Duy có một chuyến đi rất nhiều kỉ niệm ấn tượng đó là khi trên Đà Lạt tổ chức chương trình Những cung đường xanh, một chương trình hầu hết là những người trẻ tuổi.
Nhưng 2 ông bà không ngần ngại mà đang kí tham gia, mặc dù là cặp đôi lớn tuổi nhất nhưng ông bà nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng không kém gì các cặp đôi khác.
Đôi vợ chồng đi phượt khắp thế gian |
Không những thế, ông Long còn thường xuyên làm xe ôm cho bà Thủy trong những đợt đi từ thiện. Cứ thế, chú yêu những chuyến đi lúc nào không biết.
Mỗi lần đi bà Thủy đều cẩn thận gói ghém hành lý đến những bản làng xa xôi nhất của Tây Nguyên giúp cho những trẻ nhỏ, người già, hoàn cảnh khó khăn ở đó. Không những vậy, bà còn vận động, kêu gọi mọi người ủng hộ nào là quần áo, giày dép, tập sách, cơm gạo, mắm muối... Cứ mỗi chuyến đi như vậy, bà Thủy mới cảm nhận được sự hạnh phúc khi làm được điều ý nghĩa ở những nơi thâm sơn cùng cốc.
Ông bà có 3 người con, sau khi các con yên bề gia thất cũng là lúc đôi vợ chồng già bắt đầu tìm đến cuộc sống tự do cho riêng mình. Khởi đầu là những chuyến du ngoạn bằng xe máy cùng bạn bè, sau đó gia nhập vào các nhóm bạn trẻ để đồng hành.
Lúc bắt đầu người nhà có phần phản đối vì lo lắng cho an toàn và sức khỏe của ông bà nhưng về sau cả nhà đều luôn ủng hộ hết mình. Thậm chí còn biếu tiền để ông bà đi.
Ông Long kể và cười sảng khoái: "Ngày xưa tôi bị nhiều bệnh lắm, nhưng từ ngày đi phượt tự nhiên thấy khỏe ra, hết bệnh luôn. Mỗi chuyến đi là một khám phá. Chúng tôi chỉ thích đi đến những nơi nào hoang sơ, thuần khiết nhất, nơi không có hơi hám con người thì mới sướng cái mắt được".
Thêm một điều may mắn nữa, phượt hàng ngàn cây số, qua nhiều cung đường cheo leo trắc trở, nhưng ông bà chưa bao giờ gặp phải sự cố nào. Bởi, bà chuẩn bị đầy đủ đồ nghề dự trù, cộng thêm tay lái "lụa" của ông Long nên xe cứ băng băng trên đường.
Hạnh phúc đôi vợ chồng trên những chuyến phượt |
Hai ông bà vô cùng yêu vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của vùng núi Tây Bắc, đó là mơ ước của ông bà từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có cơ hội thực hiện. Vì để có một chuyến đi như thế phải mất từ 35 đến 45 ngày, các bạn trẻ khác trong đội lại không đủ thời gian phối hợp với ông bà. Ông Long hồ hởi nói: "Tôi yêu núi rừng, yêu cuộc sống nghèo khó, chất phác của bà con các dân tộc miền núi. Tôi muốn đi để cảm nhận và sẻ chia cùng họ, muốn giúp đỡ họ thật nhiều".
Thanh xuân đối với ông bà chính là cảm giác vui vẻ, tâm hồn thoải mái. Đi chung với nhau trên mọi nẻo đường, hầu như ông Long là người chụp hình riêng cho bà Thủy. Hai ông bà rất tích cực chụp hình và check in những địa điểm mình đi qua để khi nhìn lại bao nhiêu tình cảm tràn về.
Cùng nhau trải nghiệm, làm những điều ý nghĩa và chiêm ngưỡng hết cảnh đẹp Việt Nam, bà Thủy bày tỏ sự cảm ơn chân thành của mình đến người bạn đời - ông Long vì tất cả những gì ông đã làm để bây giờ cả 2 mới có đủ điều kiện để đi từ thiện, thực hiện những chuyến đi làm đẹp cho đời.
Hai ông bà còn đặt lời hứa rằng “Bây giờ thì hai mình lớn tuổi rồi, hưu rồi, quãng đời còn lại sẽ cùng nhau đi hết, đi hết Việt Nam”.