Giấy thông hành Covid là gì?
Giấy thông hành Covid được hiểu là giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 dùng để xuất trình khi qua chốt kiểm dịch liên tỉnh, nếu không có giấy này, người dân sẽ không được vào tỉnh, thành phố đó.
Hiện nay, hàng loạt các tỉnh, thành trên cả nước như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Tây Ninh… yêu cầu người từ nơi khác về phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Giấy thông hành Covid xin ở đâu?
Hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang triển khai song song 02 phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính với SARS-CoV-2 là xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh) và xét nghiệm tìm gen virus (xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp PCR).
Theo đó khi có nhu cầu, người dân có thể liên hệ các bệnh viện để được xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc phòng xét nghiệm của các đơn vị được Bộ Y tế cho phép để xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.
Tính đến ngày 02/7/2021, Bộ Y tế cho phép 164 đơn vị trên toàn quốc thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19.
Giấy thông hành Covid có giá trị thế nào?
Như đã nêu ở trên, giấy thông hành Covid được dùng để qua chốt kiểm dịch thì mới được vào tỉnh, thành phố theo yêu cầu. Tuy nhiên, đây không phải là quy định chung mà tùy từng địa phương khác nhau.
Nhiều địa phương yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính. Có tỉnh yêu cầu thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm trong 03 ngày, 05 ngày có tỉnh cho thời gian 07 ngày. Có tỉnh, ngoài giấy xét nghiệm âm tính người đến đó còn phải đi cách ly tập trung 21 ngày.
Hải Phòng yêu cầu từ 12h ngày 07/7, cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người về từ TP. HCM. Từ 12h ngày 8/7, các chốt kiểm soát ở cửa ngõ Thành phố Hải Phòng chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 05 ngày vào thành phố.
Cũng trong ngày 07/7, Quảng Ninh yêu cầu người từ nơi khác vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tỉnh này thí điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 tại 3 chốt kiểm soát dịch gồm chốt tại cổng tỉnh (thị xã Đông Triều); chốt cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên); chốt cầu Đá Bạc (thành phố Uông Bí).
Từ ngày 05/7, Bắc Giang yêu cầu toàn bộ người ngoại tỉnh vào địa bàn phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 72 giờ.
Cũng tương tự, Bình Thuận yêu cầu tất cả người dân đến và về từ các tỉnh có dịch, ngoài việc khai báo y tế, phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2 trong vòng 72 giờ.
Tối 06/7, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành công văn áp dụng phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở mức “nguy cơ cao”. Trong đó, tỉnh vẫn tiếp tục bắt buộc tất cả những người vào tỉnh này phải có giấy xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính trong thời gian không quá 05 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm.
Cũng yêu cầu có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được vào tỉnh, tuy nhiên Lâm Đồng phân biệt thời gian có hiệu lực của các loại xét nghiệm. Theo đó, kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính có giá trị 05 ngày, kết quả xét nghiệm nhanh có giá trị trong thời hạn 03 ngày.
Kết quả xét nghiệm âm tính ở Đồng Nai lại có hiệu lực trong vòng 07 ngày, yêu cầu thực hiện từ ngày 05/7.
Ngoài ra, Tây Ninh yêu cầu người về từ các tỉnh thành khác về phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời gian dưới 72 giờ.
Riêng đối với người từ TP. HCM về, phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong 07 ngày và xét nghiệm 3 lần (vào ngày thứ nhất, thứ ba và thứ sáu). Tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 07 ngày tiếp theo kể từ ngày kết thúc cách ly y tế tại nhà.
Ngày 6/7, UBND TP Cần Thơ yêu cầu từ 0 giờ ngày 09/7, người dân vào thành phố phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2. Giấy xét nghiệm có hiệu lực trong vòng 7 ngày.
(Tham khảo từ Luật Việt Nam)