Ngày 16/12, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết đã xác định được nguyên nhân khiến nữ sinh Đỗ Thị Tú Linh (19 tuổi, quê Thái Bình) tử vong trên cầu vượt bộ hành Suối Tiên. Theo đó, qua khám nghiệm pháp y, cảnh sát xác định nạn nhân tử vong do nhồi máu cơ tim chứ không phải ngộ độc thức ăn.
Khu vực nữ sinh tử vong vì nhồi máu cơ tim. |
Có trường hợp không hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, không tiền sử gia đình, lại chơi thể thao thường xuyên, đặc biệt là mới chỉ 35 tuổi, nhưng anh N. K. D. vẫn phải nhập viện cấp cứu vì căn bệnh nhồi máu cơ tim.
Nhồi máu cơ tim trước đây được biết đến là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện bệnh đang trẻ hóa với số lượng người trẻ mắc nhồi máu cơ tim ngày càng tăng cao. Đặc biệt người trẻ lại thường rất chủ quan với bệnh nhồi máu cơ tim nên càng dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Tử vong do nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi
Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC), tỉ lệ tử vong đến từ nguyên nhân nhồi máu cơ tim cấp ở các độ tuổi"
- Trẻ em dưới 1 tuổi: ít hơn 0.2/100,000
- Người 15 - 24 tuổi: 0.2/100,000
- Người lớn 25 - 34 tuổi: 1.4/100,000
- Người lớn 65 - 74 tuổi: 262/100.000
Bác sĩ Nguyễn Thanh Nhân, khoa Tim Mạch và Tim mạch can thiệp, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết: “Bệnh nhồi máu cơ tim thường gặp nhiều ở những người cao tuổi mắc nhiều bệnh mạn tính. Tuy nhiên, bệnh nhồi máu cơ tim ở người trẻ ngày càng nhiều hơn và người không có yếu tố nguy cơ vẫn có thể bị xơ vữa động mạch và mắc căn bệnh nguy hiểm này”.
Tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ đã đang tăng lên đến 10,5% và ở người rất trẻ là 1,8%. |
Theo các chuyên gia y tế, nhồi máu cơ tim xảy ra ở tuổi 45 được đánh giá là trẻ, còn nếu dưới 35 tuổi mà mắc bệnh là rất trẻ. Qua thống kê tại các bệnh viện lớn cho thấy, tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ đã đang tăng lên đến 10,5% và ở người rất trẻ là 1,8%.
Đây là những con số đáng báo động về mức độ trẻ hóa của bệnh nhồi máu cơ tim, cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh đối với giới trẻ hiện nay. Thậm chí đã có trường hợp, người bệnh nhân là trẻ em đã bị nhồi máu cơ tim và rơi vào tình trạng nguy kịch khi đến bệnh viện.
Nhồi máu cơ tim ở trẻ em, nguyên nhân hay gặp nhất là do bất thường mạch vành hoặc tình trạng viêm cấp của động mạch vành.
Khi động mạch vành bị tắc hẹp dẫn đến khối cơ tim do động mạch đó nuôi dưỡng bị thiếu máu. Cơ tim thiếu máu sẽ giải phóng ra cytokine của phản ứng viêm và làm chết tế bào. Hậu quả cuối cùng là rối loạn nhịp tim hoặc là nhịp nhanh thất, dẫn đến rung thất hoặc nhịp chậm gây ngừng tim. Điều này dẫn đến hậu quả mất tuần hoàn ngoại biên và trụy mạch ở trẻ em.
Nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi có thể diễn ra sau một quá trình dài, xơ vữa động mạch; còn với người trẻ tuổi, chủ yếu bệnh do sự hình thành huyết khối trong lòng động mạch gây ra từ stress, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm kéo dài. Lòng động mạch của người trẻ trơn láng, khi xuất hiện đột ngột các cục khối huyết làm tắc nghẽn máu nuôi tim thì không kịp thích nghi, dễ gây nguy hiểm hơn và tình trạng hoại tử cũng nhanh chóng hơn ở người lớn tuổi.
Ở người trẻ tuổi, bệnh do stress, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm kéo dài. |
Người trẻ bị nhồi máu cơ tim có dấu hiệu gì?
Bác sĩ Nhân khuyến cáo, những người đang ở tuổi thanh niên dù không có các yếu tố nguy cơ cũng cần chú ý tầm soát bệnh, không chủ quan với bệnh này.
Khi có các triệu chứng như: đau ngực sau xương ức hay ngực trái, có thể lan lên vai hoặc tay trái… các triệu chứng đi kèm như vã mồ hôi, khó thở, có thể ngất. Đặc biệt, cơn đau ngực xuất hiện cấp tính dữ dội kéo dài hơn 10 - 20 phút không đỡ.
Do tính chất nguy hiểm của bệnh này, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán sớm và điều trị tái thông mạch vành sớm nhất có thể nhằm giảm bớt biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Người trẻ cần làm gì để phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim?
Ở độ tuổi trẻ, muốn phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim, điều người trẻ cần làm đầu tiên là thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt một cách khoa học. Cụ thể cần lưu ý chi tiết như sau:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào
- Ổn định cân nặng ở mức tương đối, phù hợp
- Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý
- Tập luyện thể dục, vận động thường xuyên
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, áp lực
- Hạn chế rượu bia, chất kích thích, chất béo
- Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/ năm để đảm bảo sức khỏe, tầm soát bệnh nói chung
- Đối với người trẻ có nguy cơ tăng huyết áp, nhiều cholesterol, đái tháo đường, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim cần khám sức khỏe thường xuyên hơn.