• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chóng mặt - nỗi khổ của tuổi trung niên

Chóng mặt là triệu chứng tương đối phổ biến ở phụ nữ độ tuổi trung niên và nó có thể...

Chóng mặt là tình trạng thường “ghé thăm” các chị em phụ nữ khi bước vào độ tuổi trung niên do sự thay đổi nội tiết tố, tâm sinh lý. Vậy chóng mặt khi nào cần đi khám, làm sao để chấm dứt tình trạng này? Bài viết dưới đây sẽ giúp các chị em giải quyết vấn đề này.

Khi trời đất bỗng quay cuồng

Sau nửa đời người phấn đấu vì sự nghiệp, gia đình, khi bước vào tuổi trung niên các chị em phụ nữ bắt đầu có thời gian riêng cho bản thân, thực hiện những sở thích cá nhân như du lịch, gặp gỡ bạn bè…

Nhưng đây cũng là thời điểm nhiều bệnh lý dần bộc phát, một trong số đó là triệu chứng chóng mặt thường xuất hiện cản trở niềm vui tận hưởng cuộc sống, đồng thời gây tâm lý hoang mang, lo sợ về tình trạng sức khỏe.

Ở độ tuổi trung niên, phụ nữ thường xuyên gặp phải những cơn chóng mặt gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt đời thường. (Ảnh minh họa)
Ở độ tuổi trung niên, phụ nữ thường xuyên gặp phải những cơn chóng mặt gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt đời thường. (Ảnh minh họa)

Chóng mặt là triệu chứng tương đối phổ biến ở phụ nữ độ tuổi trung niên và nó có thể “ghé thăm” bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ ai từ người nội trợ đến kinh doanh, làm văn phòng.

Theo TS.BS Nguyễn Hồng Quân - Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cảm giác chóng mặt có thể được cảm nhận như choáng váng, chòng chành, bồng bềnh, cảm giác như đang rơi, đầu nhẹ tênh mất thăng bằng.

“Chóng mặt có thể do các bệnh lý của tiền đình - cơ quan chịu trách nhiệm đến việc giữ thăng bằng, hoặc những bệnh lý nội khoa khác như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tiểu đường, sốt, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý về nhiễm độc, hoặc do một số loại thuốc đang sử dụng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ bị chóng mặt cao hơn nam giới, điều này có thể lý giải do nhiều nguyên nhân khác nhau như cơn chóng mặt kịch phát theo tư thế lành tính, nhóm bệnh migraine, chóng mặt tâm lý sau cơn chóng mặt thực sự đã qua. Ngoài ra, sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhìn nhận tình trạng chóng mặt còn liên quan đến việc thay đổi nội tiết ở nữ, đặc biệt là vào giai đoạn tiền mãn kinh.

Như vậy có thể thấy rằng, chóng mặt do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Song các bác sĩ thường phân theo 2 nhóm, chóng mặt do bệnh lý tiền đình ngoại vi và chóng mặt do bệnh lý tiền đình trung ương. Trong đó, chóng mặt do bệnh lý tiền đình trung ương thường sẽ có nguy cơ gây nguy hiểm nhiều hơn vì liên quan đến các tổn thương của não, người bệnh cần phải được xử lý càng nhanh càng tốt” - TS Hồng Quân chia sẻ.

Chóng mặt khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Ở tuổi trung niên có rất nhiều nguyên nhân gây ra chóng mặt, tuy nhiên hầu hết các nguyên nhân đều lành tính. Song, khi bị chóng mặt nếu kèm một trong những triệu chứng như cơn nhức đầu bất thình lình, mờ mắt, giảm thính giác, mất định hướng với không gian và thời gian, nói khó khăn, tay chân run, yếu, mê, đi lại lảo đảo muốn té ngã, tê các đầu ngón chân tay, đau ngực hoặc nhịp tim nhanh hay chậm thì cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để tìm nguyên nhân và hướng điều trị. Bởi các dấu hiệu này có thể báo hiệu bệnh nặng như tai biến mạch máu não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh xơ cứng rải rác…

TS Hồng Quân cho biết: “Khi khám bệnh, phần lớn bệnh nhân chóng mặt sẽ được hỏi bệnh, điều này có thể giải quyết được 90% vấn đề. Ở một số trường hợp khác, chúng ta cần làm thêm một số xét nghiệm để đánh giá nguyên nhân và loại trừ. Chẳng hạn, nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tiền đình trung ương thì cần phải làm thêm các cận lâm sàng như chụp CT hoặc MRI…”.

Tập thể dục hàng ngày giúp cơ thể duy trì cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát sự mất cân bằng hormon, giảm stress, từ đó giúp ngăn ngừa các cơn chóng mặt (Ảnh minh họa)
Tập thể dục hàng ngày giúp cơ thể duy trì cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát sự mất cân bằng hormon, giảm stress, từ đó giúp ngăn ngừa các cơn chóng mặt (Ảnh minh họa)

Việc điều trị chóng mặt là sự kết hợp nhiều yếu tố, bao gồm điều trị nguyên nhân, thay đổi lối sống lành mạnh, khoa học và dùng thuốc. Trong đó, bên cạnh việc dùng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ, các chị em cần xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, khoa học.

Tập thể dục hàng ngày là một trong những điều quan trọng để duy trì cơ thể khỏe mạnh và giúp kiểm soát sự mất cân bằng hormon, giảm stress, từ đó giúp ngăn ngừa các cơn chóng mặt. Đồng thời, cố gắng nghỉ ngơi và làm việc trong một không khí trong lành nếu bạn cảm thấy chóng mặt, và nhớ thở sâu có thể giúp bạn bình tĩnh nếu bạn bắt đầu cảm thấy một cuộc tấn công của lo âu.

Về chế độ dinh dưỡng, TS Hồng Quân có lời khuyên, nhìn chung các bệnh nhân chóng mặt nên ăn đa dạng, đầy đủ các dưỡng chất, tránh sử dụng chất kích thích quá nhiều ví dụ như: café, rượu, bia,… Nếu là chóng mặt do bệnh đau đầu migraine thì nên tránh một số các loại thực phẩm có khả năng kích hoạt cơn như socola, bột ngọt (mì chính)…

Ngoài ra, nên uống đủ nước, giảm lượng muối ăn vào sẽ giúp kiểm soát huyết áp, ngăn không cho dịch tích tụ trong tai và giảm nguy cơ chóng mặt. Đặc biệt là nên nghỉ ngơi đầy đủ, cố gắng ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm để đủ năng lượng vào ngày hôm sau. Tất cả những yếu tố này có thể giúp ích trong việc kiểm soát các cơn chóng mặt cho các chị em phụ nữ tuổi trung niên.

Phương Nguyên

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật