• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia khuyến cáo quy tắc ứng xử của truyền thông trong phòng chống tự sát

Những nguyên tắc do Tổ chức y tế thế giới hướng dẫn khi báo cáo về tự sát được áp dụng...

Tự sát gây ra những đau thương, mất mát khôn lường cho cá nhân, gia đình và cộng đồng trên toàn quốc. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới – WHO mỗi năm có gần 800.000 người chết do tự sát. Sau tai nạn giao thông, tự sát là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 tuổi.

Tại Việt Nam, tình trạng tự sát ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

Nhằm góp một tay vào công việc phòng chống tự sát ở Việt Nam, Thạc sỹ Điều dưỡng Phạm Thị Thu Hường (Giảng viên Đại học Y Hà Nội, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) hiện đang là Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Quốc gia Đài Loan, Trợ lý nghiên cứu Trung tâm Phòng chống tự sát Đài Loan đã chia sẻ những quy tắc ứng xử của truyền thông và lan tỏa thông điệp "TỰ SÁT LÀ CÓ THỂ PHÒNG TRÁNH ĐƯỢC". Chị cho rằng đó là một trong những cách phòng chống tự sát trong cộng đồng hiệu quả khi mà hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần của Việt Nam hiện nay chưa có một trung tâm phòng chống tự sát nào do nguồn lực chính phủ còn hạn chế.

Những nguyên tắc Nên - Không nên khi đưa thông tin về tự sát

Đây là những nguyên tắc do Tổ chức y tế thế giới hướng dẫn khi báo cáo về tự sát đã được áp dụng nhiều nước trên thế giới và có ý nghĩa tích cực trong việc làm giảm tác động của việc tự sát:

Chuyên gia khuyến cáo quy tắc ứng xử của truyền thông trong phòng chống tự sát

* NÊN LÀM

  • Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế trong việc thông báo sự thật.
  • Đề cập đến ca tự sát là hoàn thành tự sát, không phải tự sát thành công.
  • Đưa thông tin liên quan về tự sát ở các trang bên trong.
  • Làm nổi bật các lựa chọn thay thế cho tự sát.
  • Cung cấp thông tin về đường dây trợ giúp và các nguồn lực cộng đồng.
  • Công bố các yếu tố nguy cơ và các dấu hiệu cảnh báo tự sát.

* KHÔNG NÊN LÀM

  • Công bố ảnh hoặc thư tuyệt mệnh.
  • Báo cáo chi tiết cụ thể phương pháp tự sát được sử dụng.
  • Không đưa ra những lý do đơn giản.
  • Không tô vẽ hoặc giật gân việc tự sát.
  • Không sử dụng các định kiến về tôn giáo hoặc văn hóa.
  • Không đổ lỗi.

Bên cạnh đó,ThS. Phạm Thị Thu Hường cũng đề xuất, trước khi đăng bài hãy kiểm tra thông tin ở trên xem bài viết có phù hợp không và hãy thông báo về tự sát như một vấn đề sức khỏe cộng đồng để nâng cao ý thức và giảm kì thị về tự sát. 

Một số đề xuất cho phương tiện truyền thông trực tuyến, các bloggers, người dùng mạng xã hội:

  • Các blogger, nhà báo, các người sử dụng mạng xã hội có thể giúp giảm nguy cơ lan truyền tự sát bằng các bài đăng cung cấp liên kết tới các dịch vụ điều trị, những dấu hiệu cảnh báo và nguồn lực trợ giúp về tự sát.
  • Bao gồm những câu chuyện về hy vọng và phục hồi, thông tin về cách vượt qua những ý tưởng tự sát và tăng kỹ năng ứng phó với căng thẳng.
  • Lan toả thông điệp để các nhà báo, người dùng mạng xã hội tuân theo các khuyến nghị về an toàn của mạng xã hội, các trang web nên giới hạn tính năng về việc lan truyền video/ảnh về các ca tự sát.
  • Các trang mạng xã hội thường trở thành nơi tưởng niệm những người đã khuất và cần được theo dõi đối với những bình luận gây tổn thương và lưu ý những thông báo cho rằng những người khác đang có nguy cơ tự sát. Các nguyên tắc, chính sách và quy định của website có thể hỗ trợ việc xóa các bài đăng không phù hợp nhạy cảm.

Khi thấy một người có các dấu hiệu cảnh báo liên quan mạnh mẽ tới việc tự sát như: nói về việc muốn chết, về cảm giác tuyệt vọng hoặc sống không có mục đích, về cảm giác bị mắc kẹt hoặc đau đớn không thể chịu đựng được, về việc trở thành gánh nặng cho người khác, có những hành động lo lắng, kích động hoặc liều lĩnh, tìm cách tự sát… bạn cần:

1. Không được để người đó ở một mình

2. Loại bỏ những vật dụng nguy hại, các vật sắc nhọn, hoặc địa điểm có nguy cơ cao.

3. Gọi cho đường dây nóng ở các bệnh viện tâm thần gần nhất.

4. Đưa người đó tới phòng cấp cứu hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn về sức khoẻ tâm thần.

Một số cơ sở điều trị về sức khỏe tâm thần ở Hà Nội:

- Viện sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. HOTLINE: 086.958.7714

- Khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi Trung ương

- Khoa Sức khoẻ vị thành niên - BV Nhi Trung ương

- BV Tâm thần Trung ương 1

- Khoa Sức khoẻ Tâm thần - BV E

- BV Tâm thần Hà Nội

- Khoa A6 - BV Quân Y 103

- BV Tâm thần ban ngày Mai Hương

- Khoa Sức khoẻ Tâm thần BV Lão khoa TƯ

- Phòng khám Tâm thần của BVĐHYHN, BV Vinmec, BV Hồng Ngọc, BV Xây Dựng và các phòng khám chuyên khoa Tâm thần trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Minh Khang

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật