• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có thể mất mạng vì kéo chân "sửa lỗi tạo hóa"

Mặc cảm chiều cao, nhiều người "sửa lỗi tạo hóa" bằng cách tìm đến bác sĩ kéo chân bằng...

Kỹ thuật kéo dài chân có cách đây cả trăm năm, mục đích ban đầu nhằm điều trị các bệnh lý chân ngắn chân dài,  di chứng thương tật từ chiến tranh, lao động, những trường hợp bị viêm xương hoặc do phải cắt u xương dẫn đến chân cao chân thấp hoặc các bệnh nhân bị bại liệt... Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu kéo dài xương vì mục đích thẩm mỹ đang tăng lên đáng kể.

Phẫu thuật kéo chân chịu rất nhiều đau đớn và bất tiện trong thời gian chờ vết mổ hồi phục.
Phẫu thuật kéo chân chịu rất nhiều đau đớn và bất tiện trong thời gian chờ vết mổ hồi phục.

75% trong số những người đến bệnh viện kéo dài chân là nam giới, phần lớn họ có tầm vóc thấp và trung bình, tự ti về chiều cao, bị ảnh hưởng tâm lý một thời gian dài, bị bạn bè trêu chọc từ nhỏ, thậm chí có người bị trầm cảm vì vóc dáng...

Ai có thể kéo dài chân?

Chỉ định kéo dài chân thường chỉ đối với những người có tầm vóc thấp, lùn (nữ dưới 1m50, nam dưới 1m60) hoặc người mắc các dị tật, thương tật. Kỹ thuật này không áp dụng cho trường hợp chân cao chân thấp chênh lệch không quá 3cm. Với mức độ chênh lệch ít thì có thể điều chỉnh bằng cách độn thêm đế giày dép, đơn giản và dễ dàng.

Ngoài ra, việc đánh giá tình trạng tâm lý của bệnh nhân để chỉ định kéo dài chân nâng chiều cao cũng rất quan trọng. Không phải ai cũng được khuyến khích làm phẫu thuật này. Bởi đây không đơn thuần là giải phẫu thẩm mỹ.

Độ tuổi thích hợp để thực hiện kéo dài chân từ 20-30 tuổi là tốt nhất, vì lúc đó chiều cao cơ thể đã hoàn thiện. Sau 35 tuổi, xương bắt đầu lão hóa, không thuận lợi để phẫu thuật kéo dài.

Kết quả sau khi xương liền chắc, đinh được rút bỏ, bệnh nhân đi đứng và ngồi bình thường.
Kết quả sau khi xương liền chắc, đinh được rút bỏ, bệnh nhân đi đứng và ngồi bình thường.

Kéo chân dài thêm từ 6-10cm

Chị T.T.H. (33 tuổi, ở An Giang) ra Hà Nội thuê nhà đối diện Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, cùng một người giúp việc chăm sóc mình trong thời gian hơn 3 tháng. Chị vào Bệnh viện 108 thực hiện dịch vụ kéo dài chân thẩm mỹ.

12 ngày kể từ khi được phẫu thuật đóng đinh nội tủy, phẫu thuật và phải di chuyển bằng xe lăn, chị H. đến bệnh viện khám lại.

Chị chia sẻ đã biết đến kỹ thuật này hàng chục năm nay, và quyết định nghỉ việc ra Hà Nội để phẫu thuật kéo dài chân. Đang bình thường tự dưng phải đi xe lăn trong 3 tháng, lại có chồng con rồi, nhưng thấy được niềm mong ước của chị hợp lý, chồng chị cũng đồng ý. 

"Nếu có động lực đủ lớn thì hãy đi kéo dài chân" - chị H. nói. Cầm phim chụp X-quang mới nhất, chị hào hứng chỉ các phần xương đã được phẫu thuật cắt rời đang dài ra như thế nào. "Trong 7 ngày tính từ lần khám lại, xương của tôi đã dài ra thêm 0,7cm. Tôi gần như không còn đau ở vết mổ, nhưng khi nằm, phải nằm thẳng một tư thế cả đêm với 2 khung cố định 2 bên chân, không thể lăn trở, rất khó chịu" - chị H. nói thêm.

Nhưng sự hào hứng sau 3 tháng nữa, chân sẽ dài ra thêm 6-7cm, đồng nghĩa với việc chị sẽ cao hơn so với trước 6-7cm, quả là rất đáng kể so với chiều cao khoảng 1,50m ban đầu đã lấn át những bất tiện và phiền toái.

Tai biến trong quá trình mổ có thể xảy ra như: xương vỡ, tổn thương máu, thần kinh, nhiễm trùng, viêm xương.
Tai biến trong quá trình mổ có thể xảy ra như: xương vỡ, tổn thương máu, thần kinh, nhiễm trùng, viêm xương.

Bác sĩ nói gì?

Theo PGS.TS. Lê Văn Đoàn, công tác tại Viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, với việc nắn chỉnh chân cho thẳng được chỉ định vào từng tuổi. Tốt nhất nên phẫu thuật khi đủ 18 tuổi; còn với trẻ nhỏ có thể điều trị bằng nắn chỉnh, bó bột, nẹp chỉnh hình, sẽ cải thiện. Để chỉ định một ca phẫu thuật nắn chỉnh chân, bác sĩ phải chỉ định hết sức chặt chẽ, cân nhắc lợi ích của phẫu thuật.

Bệnh nhân phải hiểu mình sẽ phải trải qua cuộc mổ, cắt xương, nắn chỉnh, bắt vít, nẹp để giữ xương thẳng... rất đau đớn. “Vì ca phẫu thuật mang tính thẩm mỹ nên mỗi lần mổ, các bác sĩ lại phải chịu những áp lực rất lớn. Bình thường, để thực hiện phẫu thuật này, bệnh nhân phải nghỉ 3 - 6 tháng, có người chăm sóc, phục vụ... chưa kể những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật”, ông Đoàn cho biết.

Với trường hợp kéo dài chân, BS. Đoàn cho hay: Về nguyên lý muốn kéo dài thì phải cắt xương, rồi dùng dụng cụ để kéo xương ra. Khi đã kéo dài, 2 phần xương dần xa nhau, lúc đầu tạo thành khoảng trống, màng xương là nơi sinh xương sẽ tái sinh dần thành xương mới. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa và lứa tuổi của từng người mà tốc độ tái sinh nhanh hay chậm. Tuổi càng trẻ khả năng tái sinh càng nhanh. Để xương phục hồi trở lại đủ cứng và to như xương lành thì 1cm thường mất 35 - 40 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu kéo.

Theo ông Đoàn, phẫu thuật rất khó nên gần như không phải ai cũng mổ được, miền Bắc mới chỉ có Bệnh viện 108 mổ kéo dài chân. Phẫu thuật cũng có thể xảy ra biến chứng, do vậy trách nhiệm của bác sĩ rất nặng nề. Nếu tay nghề bác sĩ không tốt, biến chứng có thể xảy ra. Tai biến trong quá trình mổ cũng có thể xảy ra như cắt xương không khéo thì xương vỡ, hoặc gây tổn thương máu, thần kinh. Đặc biệt là biến chứng nhiễm trùng, viêm xương hoặc biến chứng muộn như khi đang kéo, chậm liền xương, xương không liền, khối can xương không đủ khỏe.

“Các trường hợp tìm đến phẫu thuật đều được tư vấn kỹ càng để bệnh nhân cân nhắc được và mất sau thực hiện nắn, chỉnh, kéo dài chân”, ông Đoàn cho biết.

Bác sĩ Trần Chí Khôi, Khoa Phẫu thuật chi dưới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM cho biết, ngay từ khi có phương pháp kéo dài xương, các bác sĩ đều hướng đến điều trị cho bệnh nhân, chứ không khuyến khích kéo xương để tăng chiều cao do có nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến vận động, thậm chí tính mạng của người bệnh.

Vì vậy, khi quyết định phẫu thuật kéo dài xương, nên đến các bệnh viện có chuyên khoa sâu chấn thương chỉnh hình để được bác sĩ tư vấn chính xác trước, trong và sau phẫu thuật cả những vấn đề liên quan đến thể chất lẫn tinh thần, từ đó có sự chuẩn bị chu đáo.

Phải tuân thủ nghiêm ngặt các bài tập vật lý trị liệu tránh teo cơ, cứng khớp và co rút gân cơ ảnh hưởng đến vận động về sau.

AN LY (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật