Cục trồng trọt cho rằng việc lan đột biến được giao dịch lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng là những giao dịch không minh bạch, giá trị sử dụng không rõ ràng.
Đây có thể là một hiện tượng giống như “cơn sốt” nuôi chó Nhật ở Việt Nam cách đây gần 30 năm, hay giống như hoa tuylip ở Hà Lan cách đây mấy trăm năm. Đại diện Cục này dự đoán chỉ một thời gian nữa nó sẽ trở về với giá trị thực.
Cơ quan này cũng khẳng định, việc lưu thông lan đột biến trên thị trường hiện nay không vi phạm luật. Cụ thể là Luật Trồng trọt và Nghị định 94 chỉ tập trung quản lý chặt với các loài cây trồng chính bao gồm lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối bởi chúng có tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội của quốc gia. Muốn được lưu hành 6 loại này phải thông qua khảo nghiệm.
Hoa lan nói chung và lan đột biến nói riêng lưu thông trên thị trường là phù hợp theo quy định của pháp luật. Loại cây này không nằm trong nhóm cây trồng chính, tổ chức cá nhân muốn lưu hành, buôn bán sẽ tự công bố lưu hành theo quy định. Trong trường hợp buôn bán mà không phù hợp với thông tin đã công bố thì sẽ bị xử phạt.
Việc liên tục có thông tin các vụ giao dịch lan đột biến lên đến hàng tỉ, chục tỉ thậm chí đến hàng trăm tỉ, theo khẳng định của đại diện Cục Trồng trọt đó là những giao dịch mang tính chất dân sự kiểu thuận mua vừa bán, cơ quan quản lý Nhà nước không thể yêu cầu giống này chỉ được bán bằng này hoặc mua bằng này.
Vị này cũng cho rằng, lan đột biên hoàn toàn có thể nhân nuôi bằng biện pháp bình thường hoặc áp dụng khoa học công nghệ như nuôi cấy mô.