“Tôi cảm thấy như mình đã đánh mất đam mê với tất cả mọi thứ trong đời. Dường như chẳng còn điều gì làm tôi hứng thú, và cảm giác cuộc đời thật trống rỗng làm sao.”
Người ta thường đáp lại rằng người ấy có thể đang có biểu hiện trầm cảm lâm sàng và nên đi gặp bác sĩ.
Lời khuyên như vậy đúng là hữu ích và đối với một số người có lẽ là vậy. Nhưng nó cũng giả định rằng những kiểu cảm xúc này lúc nào cũng xuất phát từ cá nhân anh ta. Có thứ gì đó sai sai với tâm trí anh ta, cần được chữa trị bằng trị liệu tâm lý hoặc thuốc. Nhưng điều này có phải luôn như vậy hay không? Hay liệu cảm giác trống rỗng đó có thể do nền văn hóa đương đại lớn hơn gây ra?
Rrước hết, hãy tìm hiểu một chút về khái niệm "Anomie":
ANOMIE LÀ GÌ?
Vào đầu thế kỷ 20, nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim quan tâm đến một câu hỏi tương tự. Trong khi tự sát thường được cho là hệ quả của các vấn đề cá nhân sâu sắc thì Durkheim lại muốn điều tra xem hành động tự sát đó có thực sự bị tác động bởi những yếu tố văn hóa lớn hơn hay không. Ông nghiên cứu về thời tiết, tôn giáo và kinh tế của các quốc gia, tìm kiếm những gì có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến tỷ lệ tự tử. Ông đi đến kết luận trong tác phẩm nổi tiếng năm 1897 của mình, Suicide, tỷ lệ tự tử bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự hiện diện của cái mà ông gọi là anomie trong xã hội.
Anomie, nghĩa đen trong tiếng Đức và tiếng Pháp là “không có luật pháp”, được Durkheim định nghĩa là một trạng thái “vô chuẩn tắc.” Durkheim cho rằng trong những thời kỳ xã hội thay đổi và biến động, các tiêu chuẩn xã hội và kỳ vọng rõ ràng đối với cá nhân biến mất. Nếu không có "các quy tắc, chuẩn mực hoặc tiêu chuẩn giá trị rõ ràng" thì con người sẽ cảm thấy lo lắng, thiếu điểm tựa, hoang mang và thậm chí tự sát. Cuộc sống trong thời đại của anomie thường có cảm giác trống rỗng và vô nghĩa.
HƯỚNG ĐẾN MỘT XÃ HỘI THIẾU VẮNG CHUẨN MỰC
Một phần lý do tại sao chúng ta đôi lúc hay hoài cổ về “thời vàng son” vì đó là thời kỳ có những kỳ vọng rõ ràng và những giá trị, quy tắc và chuẩn mực xã hội được mọi người chia sẻ.
Nhưng đúng là con người cảm thấy bực bội bởi những quy tắc ràng buộc như vậy; quá nhiều người không thể sống được trong những chiếc hộp nhỏ bé. Vì vậy mà xã hội đã vứt bỏ những quy tắc cũ để ủng hộ cho một thế giới nơi tự do cá nhân là bá chủ, một thế giới mà quy tắc duy nhất là “thân ai nấy biết.”
Thế hệ Trong Thế Chiến II tìm thấy ý nghĩa và mục đích từ nhiều chuẩn mực xã hội lớn đã chi phối cuộc sống của họ. Còn thế hệ Boomer thì tìm thấy ý nghĩa và mục đích sống trong việc nổi loạn chống lại những chuẩn mực ấy.
Nhưng hiện giờ, chúng ta không còn những chuẩn mực xã hội, cũng như chả còn thứ gì để mà nổi loạn chống đối.
Thứ mà chúng ta đang có về cơ bản là một xã hội “vô chuẩn tắc”. Vẫn còn một vài kỳ vọng còn rơi rớt lại, nhưng nhìn chung thì tình trạng “thân ai nấy biết” đang ngự trị. Bạn có thể kết hôn vào độ tuổi 20 hoặc 40, hoặc không bao giờ, chung sống với ai đó hàng thập kỷ mà không bao giờ kết hôn, sinh 9 đứa con hoặc không sinh con, hay mất trinh ở tuổi 60, mặc trang phục bạn muốn mà chẳng ai ý kiến, hẹn hò một cô gái thuộc chủng tộc khác, xỏ lỗ bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể bạn, nắm tay người đàn ông khác đi dạo trên phố mà không bị mọi người nhìn khó chịu, cha của một đứa con ngoài giá thú mà không bị mọi người xa lánh, là một chiến binh văn phòng hay ở nhà hoặc quay lại trường đại học ở độ tuổi 50. Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn và chỉ chịu những ảnh hưởng xã hội tối thiểu.
Chắc chắn là quyền tự do cá nhân không bị hạn chế này có những mặt tích cực của nó, cho phép con người trở thành bất cứ ai mà họ muốn. Nhưng trong phước lành này lại ẩn chứa lời nguyền, khi bạn có thể làm bất cứ điều gì và mọi thứ bạn muốn, làm sao bạn quyết định được đâu là thứ mà bạn muốn làm và cảm thấy thực sự thỏa mãn khi làm nó?
BƠ VƠ TRONG TỰ DO CÁ NHÂN
Tự do cá nhân mà không chịu bất kỳ ràng buộc nào là công thức cho lo âu, bồn chồn và bất hạnh. Đây không phải là châm ngôn của người Thanh giáo khổ hạnh--nó được lập luận bởi các nhà xã hội học và tâm lý học. Tự do cá nhân mà không có bất kỳ chỉ dẫn, tiêu chuẩn hay kỳ vọng nào cũng giống như đang lạc lối trong không gian vô tận. Tình trạng phi trọng lực ban đầu làm bạn thích thú, nhưng bạn thiếu hệ quy chiếu để biết mình mình đang ở đâu--lên và xuống, trái và phải đều trở nên vô nghĩa.
Khi chúng ta nhìn lại những người đàn ông ở những năm 1950, ta đôi lúc nghĩ “Những gã ngu tội nghiệp. Họ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài kết hôn liền, sinh 3 đứa con, sống ở vùng ngoại ô, và làm việc cho công ty nào đó trong 50 năm. Cuộc sống mới ngột ngạt làm sao.”
Nhưng chúng ta cũng có những vấn đề riêng trong thời đại này. Những người đàn ông thập niên 50 có thể chịu rất nhiều ràng buộc, nhưng họ cũng có những chỉ báo rõ ràng để biết liệu họ đã đạt được thành công và hạnh phúc hay chưa. Họ ý thức rõ ràng về nơi họ đang so sánh trong trò chơi của cuộc đời. Còn bây giờ, hạnh phúc và thành công có thể mang hàng triệu ý nghĩa, và không ai dám chắc họ đang có nó. Với quá nhiều lựa chọn, chúng ta luôn băn khoăn về con đường nên theo đuổi và liệu con đường mà ta đang đi có thực sự là con đường đúng chăng.
Tôi có một người bạn không ngừng than thở rằng anh ấy muốn có một cuộc sống “thật phi thường”. Nhưng khi tôi hỏi anh ấy nó có nghĩa là gì, anh ấy lắc đầu bảo “Mình cũng không biết nữa--chỉ là cái cảm giác này cứ ám ảnh mình suốt.”
LẬP DANH SÁCH ƯỚC NGUYỆN ĐỂ TÌM KIẾM Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
Chúng ta là những sinh vật xã hội. Trong hàng trăm nghìn năm lịch sử loài người, con người sống trong các bộ lạc. Cuộc sống của họ bị chi phối bởi các quy tắc của bộ lạc và các mối quan hệ xã hội bền chặt. Chỉ mới gần đây, trước quy mô đồ sộ của mọi thứ, chúng ta đã trở thành những bộ lạc chỉ bao gồm những cá nhân bơ vơ và các gia đình hạt nhân, mỗi bộ lạc siêu nhỏ sống trong cái kén biệt lập của riêng nó. (Xin lưu ý thêm, người ta thường nói về những người phụ nữ làm mẹ-ở-nhà là điều hợp tự nhiên nhất, nhưng khó có thứ gì có thể phi tự nhiên về mặt văn hóa hơn một phụ nữ bị tách khỏi bạn bè và gia đình, ở một mình với đứa con của cô ngày này qua ngày khác).
Với tư cách là bộ lạc-vi mô của riêng chúng ta, chúng ta được giao nhiệm vụ tạo ra các quy tắc, các giá trị và kỳ vọng của riêng ta, ý nghĩa cá nhân của chúng ta về thế giới. Nhưng nó thường là một nhiệm vụ vô vị; nó giống như việc đang tạo ra một thứ ngôn ngữ cá nhân; nó là ngôn ngữ duy nhất của chúng ta, nhưng ta không thể dùng nó để giao tiếp với ai khác. Những tín điều cá nhân của chúng ta tồn tại trong chân không; thiếu các tiêu chuẩn và thể chế xã hội mang lại cấu trúc, chúng không có bối cảnh và do đó vô nghĩa.
Cảm thấy không ổn cách đây vài tuần, tôi đã xem lại các tập của một chương trình mới trên MTV có tên “The Buried Life.” Về lĩnh vực “truyền hình không có kịch bản”, chương trình này đi trước hàng năm ánh sáng so với phần lớn những chương trình vớ vẩn xuất hiện trên TV. Bốn chàng trai ăn hình ở độ tuổi 20 quyết định “thoát khỏi quỹ đạo bình thường” và lái một chiếc xe buýt màu tím đi khắp đất nước, đánh dấu nhiều mục khác nhau trong “danh sách ước nguyện” của họ. Với mỗi nhiệm vụ mà họ hoàn thành, họ giúp một người xa lạ làm việc gì đó họ muốn làm trước khi chết.
Chương trình ấm áp và truyền cảm hứng, nhưng tôi không thể không nhận thấy một vài điều. Có một điều đó là khi các chàng trai hỏi người khác rằng họ muốn làm gì trước khi qua đời, và họ có xu hướng hỏi câu này với những đối tượng thiểu số, thu nhập thấp, họ đưa ra những việc ý nghĩa như “Đoàn tụ với con trai tôi, người mà đã 20 năm nay tôi chưa gặp” và “Thăm mộ mẹ tôi ở tiểu bang khác.”
Nhưng những việc mà bản thân các chàng trai, là người da trắng, thuộc tầng lớp trung lưu, có thể đang sống cuộc đời khá may mắn, muốn làm trước khi chết là một danh sách những việc khá hời hợt: “Nâng ly chúc mừng đám cưới của một người lạ.” “Tổ chức một buổi tiệc hoành tráng.” “Đột nhập dinh thự Playboy.” “Hẹn hò với Megan Fox.”
Tôi không phản đối danh sách ước nguyện. Trên thực tế, chúng tôi khuyến khích đàn ông lập một danh sách ước nguyện của họ. Nhưng xem trò chơi được phát trên TV khiến tôi nhận ra những chàng trai thuộc thế hệ của tôi đói khát như thế nào trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của họ, và thật khó biết bao để tìm thấy con đường ý nghĩa để theo. Trong một thế giới không có các chuẩn mực, một thế giới rất thoải mãi, không còn thách thức muôn thuở về việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản (cơm áo gạo tiền) của con người, chúng ta buộc phải phát minh ra danh sách gồm những thứ ngẫu nhiên, với hy vọng rằng chúng có thể đưa chúng ta đến một cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng những thách thức mà chúng ta chọn cho bản thân sẽ không bao giờ thỏa mãn được nhu cầu của ta về cảm giác sống có mục đích hoặc mãn nguyện. Những thách thức có được ý nghĩa từ việc gắn liền với thứ gì đó lớn lao hơn bản thân--gắn với Chúa, quê hương và gia đình, hoặc đất nước. Bạn có thể nâng ly chúc mừng tại đám cưới của một người xa lạ, cảm thấy rộn ràng lúc ban đầu, nhưng sự thỏa mãn sẽ không dài lâu vì “thành tựu ấy” chẳng để lại tác động nào vượt ra ngoài bản thân.
NHIỆM VỤ TRƯỚC MẮT
Tôi biết bài viết này có vẻ bi quan, nhưng nó không mang tính u ám và khiến bạn phải vò đầu bứt tóc, và chắc chắn nó không phải là nỗi khát khao hoài niệm về quá khứ. Người ta có thể nói về sự hồi sinh của những giá trị truyền thống cho tới khô nước miếng, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy sự quay trở lại những chuẩn mực xã hội khắt khe. Con mèo đã thoát ra khỏi túi (bí mật đã được tiết lộ), và người ta sẽ không từ bỏ các quyền tự do cá nhân mà chúng ta đã giành được để đưa nó trở lại.
Đó chỉ đơn giản là điều tôi nghĩ đến gần đây. Nó không phải là một vấn đề mà tôi có thể đưa ra một số gạch đầu dòng về cách khắc phục. Nó là một điều phức tạp mà chúng ta cần suy xét kỹ. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu những gì bạn đang đối mặt trong cuộc sống, và nếu đôi lúc bạn có cảm giác cuộc sống trống rỗng khủng khiếp, thì bạn hiểu rằng bạn không đơn độc và có lý do cho điều đó. Nó không có nghĩa là chúng ta nên buông xuôi. Mặc dù xã hội không bao giờ có thể có lại những giá trị chung nữa, nhưng nó không có nghĩa là mỗi người chúng ta không thể cố gắng đạt đến sự xuất sắc cá nhân. Hoặc cuộc sống của chúng ta đã được an bài là vô nghĩa. Mọi thế hệ, mọi thời đại đều có những thách thức riêng. Thách thức của thế hệ chúng ta là tìm ra ý nghĩa và mục đích thực sự trong thời đại của anomie. Bạn nghĩ làm thế nào có thể thực hiện được nhiệm vụ này?
(Theo https://www.artofmanliness.com/articles/the-bucket-list-generation-in-the-age-of-anomie/?fbclid=IwAR19ZC3X30Hx29AgQU5dH-3QNAAAkoACg2doG82NOWxEP985h04joWOrv-U - Dịch bởi nhóm Tâm lý học tội phạm)