Xây bệnh viện dã chiến trong 6 ngày
Theo Reuters dẫn tin truyền thông Trung Quốc cho biết, bệnh viện mới được xây dựng ở ngoại ô thành phố Vũ Hán . Bệnh viện dã chiến này có mô hình lắp ghép nên thi công nhanh chóng, ít tốn kém kinh phí, tương tự bệnh viện Xiaotangshan được xây dựng ở Bắc Kinh năm 2003 để đối phó SARS.
Trung tâm cách ly đang được xây dựng ở quận Thái Điện ở phía tây Vũ Hán. |
Theo bản thảo ban đầu mà South China Morning Post tiếp cận được, cơ sở mới đang được xây dựng ở quận Thái Điện ở phía tây Vũ Hán. Cơ sở này có diện tích 25.000 m2 và sức chứa 1.000 giường bệnh, theo Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giới chức Vũ Hán trả tiền công cho những công nhân làm theo dự án này lên tới 1.200 nhân dân tệ (4 triệu đồng/ngày), gấp 3 lần tiền công bình thường, để tăng tốc việc xây dựng.
Từ đêm 23/1, khoảng 35 máy đào, 10 xe ủi đã được điều động đến khu vực xây dựng nhằm mục tiêu đưa bệnh viện mới vào hoạt động từ đầu tuần sau.
Hàng trăm công nhân đã được điều tới nhằm xây dựng trung tâm cách ly gấp rút trong vòng 6 ngày, giữa bối cảnh chủng virus lạ gây viêm phổi vẫn tiếp tục lây lan tới toàn bộ các tỉnh và đặc khu của Trung Quốc, ngoại trừ Tây Tạng và Thanh Hải.
Các công nhân làm việc suốt đêm để kịp tiến độ công việc. |
Công nhân dùng bữa tại nhà kho của một bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán, trung tâm tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, ngày 24/1/2020. Bệnh viện tạm thời dự kiến sẽ cung cấp nguồn lực y tế để điều trị cách ly và cho bệnh nhân viêm phổi. (Tân Hoa Xã / Xiao Yijiu) |
“Việc xây dựng dự án này nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lực y tế. Do đây là tòa nhà được lắp ghép nên xây dựng rất nhanh và không tốn quá nhiều chi phí”, nguồn tin cho biết.
“Chúng tôi sẽ đón Giao thừa ở công trường. Chúng tôi không có thời gian. Chúng tôi cần phải bàn giao cho kiểm định trong vòng 6 ngày”, đại diện một công ty nói với South China Morning Post, đề nghị giấu tên.
Cơ sở này có diện tích 25.000 m2 và sức chứa 1.000 giường bệnh, theo Nhân dân Nhật báo. |
Trung tâm cách ly này sẽ có hơn 20 khu nhà đã được lắp sẵn, có từ 1-2 tầng.
“Cách ly là một từ có nghĩa khá rõ, có nghĩa bạn phải bị ngăn tiếp xúc trong vòng 40 ngày. Tôi không nghĩ Trung Quốc có khả năng đó”, Ian Lipkin, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia, nói với South China Morning Post.
“Hiện nay, đó (công trình nói trên) là cách tiếp cận duy nhất, vì chúng ta không có vắc-xin kiểm soát virus. Không phải là "cách ly" mà chỉ là "tách biệt để kiềm chế dịch bệnh " cho đến khi có chiến lược tốt hơn mà thôi”, ông nhận định.
Bệnh viện dã chiến kiểu này ở Bắc Kinh năm 2003 nhằm đối phó dịch SARS đã điều trị cho 1/7 số bệnh nhân nhiễm SARS của Trung Quốc trong vòng 2 tháng. Bệnh viện Xiaotangshan khi đó được thi công bởi 7.000 công nhân. Mục tiêu ban đầu của bệnh viện này chỉ là tiếp nhận các bệnh nhân phục hồi sau điều trị SARS để giảm tải cho các bệnh viện khác, tuy nhiên, cuối cùng nó trở thành nơi điều trị cho 700 bệnh nhân SARS.
41 ca tử vong, gần 1.300 ca nhiễm bệnh
Tính đến ngày 25/1 (mùng 1 Tết), Trung Quốc đại lục ghi nhận gần 1.300 ca nghi nhiễm virus corona và 41 ca tử vong. Ngoài ra, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Macau, Đài Loan đều đã có những ca được xác nhận nhiễm virus, theo South China Morning Post.
Số ca mắc viêm phổi do vi rút corona ở Trung Quốc đang tăng nhanh và lan sang một số nước trong khu vực. |
Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát ngăn chặn virus gây nên bệnh viêm phổi lạ , giới chức Trung Quốc đã áp dụng biện pháp hạn chế du lịch, tụ tập đông người ở Vũ Hán và các khu vực lân cận.
Tại Vũ Hán, dư luận tỏ ra giận dữ lẫn lo ngại khi các bệnh viện đều đã trở nên quá tải. “Họ (đội ngũ y tế) không thể quan tâm đúng mực đến tất cả mọi người ở đây”, Sun Ansheng, một người đàn ông chừng 50 tuổi ở địa phương, bình luận khi đang chờ bên ngoài một bệnh việc trong lúc vợ ông xét nghiệm virus corona.
Dịch viêm phổi do chủng virus corona mới gây ra được cho là bắt nguồn từ một khu chợ chuyên bán các động vật hoang dã ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019. Triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt, ho và khó thở. Những ngày gần đây khi Trung Quốc bắt đầu làn sóng xuân vận về quê đón tết và du lịch nước ngoài, dịch bệnh có xu hướng lan nhanh ra các thành phố khác và các quốc gia láng giềng.