Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, giá cà phê Robusta nội địa tăng mạnh trở lại. Ngày 8/2/2022, giá cà phê tại thị trường nội địa tăng 900 đồng/kg so với ngày 28/1/2022, lên mức cao nhất 40.700 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất 40.100 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức 40.600 đồng/kg.
Đầu tháng 02/2022, giá cà phê thế giới tăng so với cuối tháng 01/2022 do nguồn cung thiếu hụt tạm thời khi Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi người trồng cà phê Bra-xin hạn chế bán ra do đồng Real phục hồi so với đồng USD. Theo số liệu từ Cơ quan thương mại Brazil, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 01/2022 đạt 2.968.217 bao, giảm 19,8% so với tháng 01/2021, nhưng tăng 9% so với tháng 01/2019. Trong khi đó, kỳ vọng châu Âu và Hoa Kỳ mở cửa trở lại sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu khởi sắc trở lại.
Trên sàn giao dịch London, ngày 8/2/2022, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 3/2022, tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 1,9%, 2,0%, 1,8% và 1,7% so với ngày 28/1/2022, lên mức 2.233 USD/tấn, 2.218 USD/tấn, 2.204 USD/tấn và 2.198 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 8/2/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2022 và tháng 5/2022 cùng tăng 4,1% so với ngày 28/1/2022, lên mức 241,65 Uscent/lb và 242,3 Uscent/lb; kỳ hạn tháng 7/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 4,0% và 3,9% so với ngày 28/1/2022, lên mức 241,25 Uscent/lb và 239,95 Uscent/lb.
Dù vây, giới chuyên môn dự báo, giá cà phê Robusta trong thời gian tới sẽ ổn định do nguồn cung được bổ sung khi Việt Nam quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, trong khi báo cáo thời tiết các vùng trồng cà phê chính ở miền nam Bra-xin đã có nhiều mưa hỗ trợ tốt cho vụ mùa năm nay.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê chế biến năm 2021 đạt 569,46 triệu USD, tăng 2,9% so với năm 2020.