Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Hướng di chuyển của bão số 4 . |
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 20/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 22,5 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Theo nguồn tin từ báo Nhân Dân, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp chỉ đạo ứng phó với bão số 4 và tình hình mưa lũ ở khu vực miền Bắc sáng 18/8, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết từ nay đến ngày 23/8, trên khu vực miền núi phía Bắc trọng tâm là khu vực Đông Bắc và Tây Bắc sẽ gặp tổ hợp bất lợi về thiên tai.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp. |
Thứ trưởng nhấn mạnh, đối với khu vực miền núi cần quan tâm về vấn đề lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Cần phải di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ, tổ chức trực ban 24/24 đến cấp thôn, thường xuyên thông tin tới người dân về tình hình mưa lũ, sạt lở đất. Cử người canh gác tại các khu vực ngầm tràn, khu vực nguy hiểm để hướng dẫn người dân, cắm biển cảnh báo, rào chắn ở khu vực nguy hiêm.
Đối với công tác bảo đảm an toàn hồ chứa, cần tiếp tục theo dõi rà soát lại các hồ chứa thủy lợi, không được chủ quan đặc biệt với các hồ chứa có dung tích nhỏ (từ 500 nghìn m3 đến 1,5 triệu m3).
Đối với khu vực trũng thấp cần phải chủ động thông báo cho người dân những điểm có nguy cơ ngập úng đặc biệt khu vực đô thị để người dân có các phương án phòng tránh.
Thường xuyên theo dõi, kiểm đếm và thông báo cho chủ tàu thuyền, lồng bè đảm bảo công tác an toàn tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản.
(Tổng hợp)