Đây là kết quả mà nhóm các nhà khoa học Mỹ và Hà Lan có được trong quá trình phân tích mẫu máu của 77 trẻ em trước và sau khi chúng bị nhiễm bệnh sởi trong đợt bùng phát sởi năm 2013 tại Hà Lan (77 em này đã không tiêm phòng sởi) bằng công nghệ Virscan.
Kết quả công bố trên tạp chí Science - một tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín của Mỹ.
Các nhà khoa học đã phân tích mẫu máu, kiểm tra các loại kháng thể khác nhau trong máu của trẻ trước và sau khi bị nhiễm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trước khi trẻ mắc bệnh sởi, trong máu trẻ có chứa các kháng thể kháng với nhiều mầm bệnh phổ biến. Nhưng sau khi trẻ mắc bệnh sởi, trung bình mất khoảng 20% các loại kháng thể đó. Trong một số trường hợp có thể mất hơn 70%.
Tìm hiểu sâu hơn về cơ chế, nhóm nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân là do virus sởi đã tiêu diệt các “tế bào B có chức năng nhớ” đặc hiệu với các mầm bệnh khác. Quần thể các tế bào B này lưu trữ cách cơ thể chiến đấu với các mầm bệnh đã mắc phải trong suốt cuộc đời. Khi những tác nhân gây bệnh đó xuất hiện, xâm nhập lần nữa thì chúng sẽ phản ứng đánh trả rất nhanh vì đã ghi nhớ cách đánh lại loại kẻ thù đó như thế nào cho hiệu quả.
Nguồn: facebook |
Tuy nhiên, khi nhiễm bệnh sởi, virus sởi sẽ phá hoại quần thể tế bào B này, khiến trẻ không thể phản ứng nhanh lại với các mầm bệnh đã mắc trước đó. Sau khi khỏi bệnh sởi, thì cơ thể cũng sẽ trở nên yếu ớt vì đã mất đi kinh nghiệm chống chọi với các căn bệnh mà đứa trẻ đã từng dễ dàng chiến thắng!
Hiện tượng mất kháng thể trên không xảy ra ở những trẻ không bị nhiễm bệnh và những người được tiêm chủng ngừa sởi. Đây là một kết quả có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích người dân chủ động tiêm phòng vắc xin sởi.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong 4 tháng đầu năm 2019, 170 nước trên thế giới đã ghi nhận các ổ dịch sởi với ít nhất 112.163 trường hợp mắc, trong đó có nhiều nước có số trường hợp mắc cao như: Công hòa dân chủ Congo, Madagascar, Sudan, Ethiopia, Yemen, Ukraine, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Myanmar, Philippines, Thailand and India, Pakistan, và Brazil.
Số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, đặc biệt tại châu Phi cao nhất tới 700%, so với cùng kỳ năm 2018. Sự gia tăng số mắc sởi đã thành xu hướng rõ ràng trên phạm vi toàn cầu với các ổ dịch sởi tại nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra việc e ngại sử dụng vắc xin phòng sởi là mối đe dọa lớn toàn cầu.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có 9 quốc gia đã công bố loại trừ bệnh sởi, tuy nhiên trong năm 2019 đều đã ghi nhận các trường hợp mắc sởi như: Australia, Brunei Darussalam, Cambodia, Hong Kong SAR (China), Macao SAR (China), Japan, New Zealand, Hàn Quốc và Singapore.
Tại Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2019, đã có 59/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi rải rác, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn. Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi.
Chủ động tiêm phòng sởi cho trẻ để hạn chế dịch sởi bùng phát và hạn chế những tác động tới hệ miễn dịch do virus sởi gây ra. Ảnh: benhvirus.com |
Do vậy, các nhà khoa học khuyến cáo các bậc cha mẹ nên chủ động tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ theo những hướng dẫn của WHO, nhằm phòng ngừa bệnh sởi và ngăn chặn những tác động xấu của virus sởi tới hệ thống miễn dịch.
Tiêm phòng sởi thường được bắt đầu với liều đầu tiên lúc 12 đến 15 tháng tuổi và liều thứ hai từ 4 đến 6 tuổi