Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm 2020 đến nay, một số đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động. Riêng tháng 1 và 2/2020, cả nước có khoảng 10% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất và tỷ lệ này tăng lên khoảng 15% vào tháng 3.
Việc một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm giờ làm hoặc cho người lao động nghỉ việc trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là không vi phạm pháp luật. Bởi điểm c, khoản 1, điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định rõ: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác (địch họa, dịch bệnh...), mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Tạm nghỉ việc vì dịch COVID-19, người lao động được đảm bảo quyền lợi gì? |
Nếu phải nghỉ việc, người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được nhận trợ cấp thôi việc với mức trợ cấp mỗi năm làm việc bằng một nửa tháng lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc trước đó. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động nghỉ việc.
Về mức tiền lương, theo quy định tại điều 98 của Bộ luật Lao động thì "tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng”. Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 là 4.420.000 đồng/người/tháng với vùng I; mức 3.920.000 đồng/người/tháng với vùng II; mức 3.430.000 đồng/người/tháng vùng III; mức 3.070.000 đồng/người/tháng với vùng IV.
Trong trường hợp người lao động đang làm việc bình thường mà phải ngừng việc do cách ly vì dịch COVID-19 (không do lỗi của người lao động lẫn người sử dụng lao động) thì người lao động được nhận lương ngừng việc theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đặc biệt, theo khoản 2, điều 130 Bộ luật Lao động năm 2012, nếu phải nghỉ làm vì cách ly mà ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thì người lao động cũng không phải bồi thường.
Còn theo quy định của Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, người lao động bị thất nghiệp sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp hằng tháng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức trợ cấp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa).
Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Ngoài ra, người lao động sẽ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ học nghề với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.