Cơ sở để đơn vị này đưa ra dự báo trên là xuất khẩu thủy sản tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do tiếp tục phát huy tác dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh hoạt động sản xuất trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nên đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các thị trường.
Năm 2022, nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu dự báo tiếp tục ở mức cao với động lực từ thị trường Hoa Kỳ và EU. Kinh tế Hoa Kỳ và EU được dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục ở mức cao, trong khi tính đến cuối năm 2021, lượng thủy sản dự trữ, tồn kho tại các thị trường này ở mức thấp.
Năm 2021, trị giá nhập khẩu thủy sản của hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều tăng so với năm 2020, trừ nhập khẩu của Đức giảm. Không chỉ tăng so với năm 2020, nhập khẩu thủy sản của nhiều thị trường còn tăng so với trước đại dịch (năm 2019), trừ nhập khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản giảm trên 10%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý IV/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 602.100 tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng 0,9% về lượng và tăng 13,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,022 triệu tấn, trị giá 8,89 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 5,6% về trị giá so với năm 2020. Đây là mức trị giá cao nhất từ trước đến nay.
Trong năm 2021, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản lớn là tôm, cá tra, cá ngừ, chả cá, mực, bạch tuộc, nghêu, ghẹ, sò đều có trị giá tăng so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cá tra và ghẹ giảm về lượng, nhưng trị giá vẫn tăng so với năm 2020. Cá ngừ, chả cá, nghêu và ốc là những mặt hàng thủy sản có trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất trong năm 2021 so với năm 2020.