Tính riêng trong tháng 3, ước tính xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 202.000 tấn, trị giá 900 triệu USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với tháng 3/2021.
Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 2/2022 đạt 136.400 tấn, trị giá 637,86 triệu USD, tăng 41,8% về lượng và tăng 62,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 317.900 tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, tăng 26% về lượng và tăng 50,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 2/2022, tôm các loại là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất về trị giá, đạt 24.400 tấn, trị giá 242,75 triệu USD, tăng 42,6% về lượng và tăng 55,6% về trị giá so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm các loại đạt 55.500 tấn, trị giá 553,4 triệu USD, tăng 30,9% về lượng và tăng 47,2% về trị giá. Xuất khẩu cá tra trong tháng 2/2022 đạt 61.400 tấn, trị giá 171,6 triệu USD, tăng 60% về lượng và tăng 128,7% về trị giá so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt 139,1 nghìn tấn, trị giá 385,4 triệu USD, tăng 37,1% về lượng và tăng 91,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu thủy sản quý I/2022 đạt kết quả cao nhất so với quý I hàng năm từ trước tới nay, báo hiệu một năm xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu có thể sẽ chững lại với tác động của lạm phát và tình trạng khó khăn trong hoạt động vận chuyển. Trong khi đó, dịch COVID-19 trên toàn cầu dần được kiểm soát, hoạt động nuôi trồng thủy sản dần phục hồi, nguồn cung tăng lên sẽ tạo áp lực cạnh tranh trên thị trường, giá thủy sản có khả năng giảm trong thời gian tới. Từ đầu năm 2022, giá cước vận tải biển đi các chặng Hoa Kỳ, châu Âu tiếp tục ở mức cao gây áp lực lên giá thủy sản.