Ngày 5/7, nhà toán học Viazovska đã trở thành người phụ nữ thứ 2 trong lịch sử nhân được giải thưởng Fields. Viazovska được vinh danh nhờ chứng minh mạng tinh thể E8 cung cấp sự đóng gói chặt chẽ nhất của những quả cầu giống nhau trong 8 chiều, và những đóng góp vào các vấn đề nội suy và cực trị liên quan trong giải tích Fourier.
Viazovska sinh ra tại Kiev vào năm 1984, khi Ukraine vẫn còn thuộc Liên Xô. Cha của bà là nhà hóa học làm việc tại nhà máy sản xuất máy bay Antonov còn mẹ là một kỹ sư.
Giáo sư toán Maryna Viazovska |
Năm 1998, Viazovska bắt đầu theo học tại trường Kiev Natural Science Lyceum no. 145, ở quận Pechersk, Kiev, ngôi trường chỉ những học sinh rất xuất sắc mới được nhận. Viazovska tốt nghiệp năm 2001 và sau đó học toán tại tại Đại học Quốc gia Taras Shevchenko ở Kiev.
Cô lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Kaiserslautern (Đức) năm 2007 và bằng tiến sĩ ở Đại học Bonn (Đức) năm 2013. Từ năm 2018, cô là chủ nhiệm bộ môn lý thuyết số tại Đại học Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ Lausanne (EPFL).
Trả lời phỏng vấn của Andrei Okounkov và Andrei Konyaev - các nhà toán học người Nga, Viazovska cho biết: "Năm lớp 11 khi tôi không được vào đội tuyển thi Olympic Toán học quốc tế và cảm thấy nản chí, không muốn trở thành một nhà toán học nữa. Tôi vô cùng thất vọng.
Sau đó, ở trường đại học, tôi bắt đầu tham gia các cuộc thi Olympic toán sinh viên, bù đắp lại những cơ hội bị bỏ lỡ với các cuộc thi Olympic ở trường phổ thông. Có lẽ, cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy ra khi các cuộc thi Olympic sinh viên đó kết thúc bởi vì tôi đã quá tuổi.
Nhưng sau đó, may mắn thay, tôi nhận ra rằng có một thứ gọi là nghiên cứu trong toán học, nơi người ta có thể giải quyết những bài toán thất sự khó và viết các bài báo về chúng. Đó có lẽ là vào năm thứ tư đại học của tôi".
Viazovska giành được Huy chương Fields 2022 cho công trình về đóng gói hình cầu. Về cơ bản, vấn đề này liên quan đến việc làm thế nào để đặt các quả cầu vào thùng chứa một cách gọn gàng nhất. Viazovska nghiên cứu vấn đề này từ năm 2003 đến năm 2016 và tìm ra một "công thức kỳ diệu" giúp giải quyết nó trong các chiều 8 và 24.
Peter Sarnak, giáo sư toán tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton (Mỹ), ca ngợi thành tựu của Viazovska. "Viazovska phát minh ra những công cụ bất ngờ và mới mẻ giúp bà ấy vượt qua các rào cản tự nhiên đã kìm hãm chúng ta nhiều năm", ông nói.
"Maryna đã làm được một điều thực sự kỳ diệu. Ngay khi nghiên cứu được công bố, tất cả mọi người đều sửng sốt", nhà toán học Henry Cohn tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) chia sẻ.
Nói về tấm huy chương vàng, Viazovska chia sẻ: "Tôi không biết… Tất nhiên, tôi nhận ra rằng đây là một điều duy nhất và tôi vô cùng may mắn. Và sau đó tôi nghĩ - sao có thể nhỉ? Mình sẽ làm gì trong phần đời còn lại đây? Tôi chỉ mới bắt đầu sống thôi, nhưng tôi đã đạt đến đỉnh cao nhất. Tôi không thích ý tưởng đó chút nào. Sau đó, tất nhiên, tôi cũng nghĩ về việc nó sẽ đặt một trách nhiệm lớn lao lên một người như thế nào. Tôi phải mất vài ngày mới nhận ra tất cả những điều đó".
Khi được hỏi sẽ nói gì với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thụy Sĩ về giáo dục toán học, Viazovska tiết lộ: "Tôi hiểu rằng nói một điều như vậy với những người làm giáo dục sẽ khó có hiệu quả. Có thể họ và tôi chưa hiểu được nhau. Nhưng đối với tôi, dường như đây là một trường hợp “gừng càng già càng cay”. Hình học phẳng được dạy ở trường vẫn là hình học phẳng do Euclid phát minh ra, không có gì thay đổi. Chúng ta đã đạt đến giá trị cực đại địa phương, thậm chí là toàn phần. Lớn nhất là đẹp rồi, tại sao phải thay đổi nó?
Tôi nhận ra rằng tôi khác với những người khác về việc giáo dục toán học. Có lẽ tôi không có nhu cầu như những người khác. Và hiển nhiên là sách giáo khoa phải dễ hiểu và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người để mọi người có thể thu được nhiều nhất từ nó. Nhưng với sách giáo khoa cũ, tôi thích vì nó có rất nhiều từ và giải thích trong đó. Có định nghĩa, có định lý. Có một lời giải thích về việc định nghĩa là gì và định lý là gì. Sách giáo khoa hiện đại chỉ là một đề cương, một phao thi mà thôi. Rất nhiều hình nhưng không nhiều chữ. Nó giống sách thiếu nhi theo đúng nghĩa đen - một vài đoạn văn bản nhỏ trong một cái khung lớn.
Có lẽ người ta mong giáo viên trong lớp sẽ lấp đầy những khoảng trống, nhưng theo tôi, nói chung, trẻ con hiếm khi nhớ những điều người lớn nói với chúng - ít nhất chúng còn lâu mới nhớ được mọi thứ. Và có một cuốn sách chứa đựng tất cả thực sự là một điều rất tốt.
Người ta từng dạy toán trong trường theo kiểu lặp đi lặp lại: họ nhắc lại các chủ đề ở các cấp độ khác nhau và nó tăng dần lên như một tòa nhà - tầng sau được xây chồng lên tầng trước. Nhưng giáo dục hiện đại không có điều đó; tất cả những gì nó có chỉ là mảnh này, mảnh kia, rời rạc.
Có lẽ những người làm công tác giáo dục nhận thức được điều này. Có thể có sự mâu thuẫn giữa phương pháp sư phạm và sách giáo khoa. Theo tôi thấy, phương pháp sư phạm phải liên tục thay đổi, bởi vì thế hệ sau luôn khác thế hệ trước, đơn giản vì cuộc sống của chúng ta luôn thay đổi. Và theo tôi, phải có một số cách tiếp cận mới về giao tiếp giữa giáo viên và học sinh - điều đó là cần thiết. Nhưng phần sách giáo khoa, bao gồm các định lý, chứng minh, với cấu trúc logic chặt chẽ của nó - thật vô lý khi thay đổi nó. Nó đã hiệu quả trong hàng ngàn năm, vậy tại sao lại phá vỡ nó?.
Công bằng mà nói, tôi thích rất nhiều điều ở trường học hiện đại và mà cụ thể là trường học Thụy Sĩ. Nó thân thiện với trẻ em hơn nhiều so với những gì tôi nhớ được từ kinh nghiệm của chính mình. Nó tập trung nhiều vào việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các học sinh, giải quyết xung đột và hợp tác trong các dự án chung. Suy cho cùng, trường học không chỉ là nơi đề cao thành tích học tập mà còn nơi học cách sống với những người khác.
Đôi khi, tôi lo lắng về khía cạnh thứ hai. Có cảm giác rằng mọi người tin chúng ta không cần logic và kiến thức nữa. Không có đủ thời gian cho việc này. Thay vào đó, máy học sẽ làm mọi thứ cho chúng ta, chúng ta sẽ chỉ cần nhìn vào một quả cầu pha lê và đặt câu hỏi".