• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'Cha đẻ' ATM gạo, người giúp TP.HCM giải "bài toán" thiếu oxy giữa đại dịch COVID-19

Với sáng kiến tìm nguồn oxy từ các nhà máy luyện gan thép, Hoàng Anh Tuấn đã giúp TP.HCM giải...

Với sáng kiến tìm nguồn oxy từ các nhà máy luyện gan thép, Hoàng Anh Tuấn đã giúp TP.HCM giải bài toán thiếu nguồn oxy và cứu sống được rất nhiều F0.

menu_1.jpg

Hoàng Tuấn Anh, CEO PHGLock, được biết đến là "cha đẻ" của ATM gạo, ATM khẩu trang giờ đây là ATM Oxy. Những sáng kiến của anh đều mang ý nghĩa lớn với đối với người dân thành phố giữa lúc nguy nan.

Anh chia sẻ thời điểm TP.HCM ở giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19, số ca tử vong ngày càng tăng và rất nhiều người bệnh thiếu oxy, bản thân anh và doanh nghiệp không thể đứng yên trước thực trạng đau lòng.

"Nhà tôi nằm gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa, xe cấp cứu chạy liên tục, số ca tử vong chờ thiêu xếp hàng dài, khoảnh khắc ấy khiến tôi không thể ngồi yên. Vì thiếu ăn bạn có thể cầm cự được, nhưng nếu thiếu oxy chỉ vài giây thôi đã khiến người dân mất mạng", Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.

Giữa lúc nhà nhà sợ dịch bệnh, người người lo lắng đến tính mạng, Hoàng Tuấn Anh quyết định bàn giao toàn bộ việc kinh doanh lại cho anh trai và dànhthời gian vào việc tìm kiếm nguồn oxy để cứu giúp người.

Theo anh Tuấn Anh, chiếc máy ATM luôn là động lực để anh nghĩ đến. Thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, người dân mất việc làm, khó khăn về thực phẩm, anh sáng kiến ATM gạo và kêu gọi mạnh thường quân chung tay cứu giúp người thất nghiệp.

Và bây giờ với oxy, anh cũng nghĩ đến phương án làm ATM, nhưng khó nhất là làm sao tìm kiếm nguồn oxy, khi cả khu vực và thế giới thiếu oxy.

"Riêng việc kiếm mua bình oxy cũng đã rất khó và cần số tiền lớn. Nếu sức của một mình tôi thì không thể lo được cho quá nhiều người. Trong khi mỗi ngày, tôi liên tục nhận 200-300 cuộc gọi nhờ hỗ trợ, còn điện thoại đường dây nóng mỗi ngày lên đến 40.000 - 50.000 cuộc gọi cầu cứu. Mỗi cuộc gọi đến là những tiếng khóc cầu cứu trong thoảng thốt và mỗi câu chuyện thương tâm. Điều này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều", Hoàng Tuấn Anh nói.

Giữa lúc cấp thiết, anh đã gọi cho Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đặng Hồng Anh, để nói về mong muốn cứu người bệnh COVID-19 của mình.

pc_mobi_2.jpg

"Ngay lúc khó khăn nhất, anh Đặng Hồng Anh nói một câu mà bản thân tôi cảm thấy mình như được tiếp thêm động lực để chiến đấu: Để anh kết nối anh em lại với nhau, cùng chung tay cứu người là quan trọng nhất. Và một group tập hợp các doanh nghiệp trong hội nhanh chóng được lập ra, mọi người một tay chung sức góp tài chính và công sức cho dự án ATM Oxy".

Từ sự chung tay của Hội doanh nhân trẻ, vỏ bình oxy liên tục được nhập về. Vỏ bình đã có nhưng bài toán khó là nguồn oxy từ đâu, để cung cấp cho trên 50.000 ca bệnh mỗi ngày.

Một lần nữa anh Đặng Hồng Anh như là vị cứu tinh cho dự án ATM Oxy, khi trực tiếp kết nối Hoàng Tuấn Anh với nhà máy luyện gang thép tại TP. Thủ Đức, nơi có thể sản xuất được lượng oxy lớn, và họ đã đồng ý cung cấp miễn phí oxy.

Nhưng một băn khoăn khác với Hoàng Tuấn Anh lúc bây giờ là liệu nguồn oxy đó có đạt chuẩn sử dụng trong y tế hay không? Tuấn Anh và đội ngũ tình nguyện viên lo lắng đến mất ngủ khi mẫu oxy được gửi đi kiểm định. Mọi người cầu nguyện chỉ mong nguồn oxy đạt chuẩn y tế.

Tuấn Anh kể: "Chúng tôi vỡ òa hạnh phúc khi nguồn oxy tại nhà máy luyện gang thép đạt chuẩn oxy y tế, tức là hàng ngàn người dân sẽ được cứu sống".

Những "chiến binh" thầm lặng. Video do nhân vật cung cấp.
menu_2.jpg

Sau khi có nguồn oxy, đội ngũ tình nguyện viên thay nhau làm việc 24/24 để vận chuyển oxy đến từng con đường ngõ hẹp của thành phố. Họ đã ăn ngủ nghỉ và cách ly ngay trạm oxy, vì sợ lây dịch cho người thân, bạn bè. 

"Có thời điểm, các tình nguyện viên liên tục tiếp xúc với F0 nên nhiều bạn bị nhiễm bệnh cũng khiến chúng tôi lo lắng. Hơn 70 tình nguyện viên nhiễm bệnh nhưng may mắn không ai rơi vào cảnh nguy hiểm. Giữa lúc hiểm nguy, đối mặt với sinh tử, tinh thần đoàn kết, quả cảm của tình nguyện viên khiến tôi càng thấy việc dấn thân của mình là đúng", Hoàng Tuấn Anh nói.

Sau khi ATM Oxy đi vào hoạt động ổn định, Tuấn Anh lại mang tham vọng mở rộng thêm nhiều trạm Oxy tại 23 quận huyện, để cứu được càng nhiều người càng tốt.

Nói về lý do khiến anh cố gắng mở nhiều trạm oxy rộng khắp thành phố, Tuấn Anh kể anh đã chứng kiến một người bạn của mình mất vì thiếu oxy.

"Đêm trước đó, người bạn tôi còn rất khỏe mạnh, còn gọi điện nói cười vui vẻ với nhau. Còn hẹn ngày mai chúng tôi sẽ mang oxy đến cho bạn. Nhưng rồi diễn biến bệnh nhanh đến mức người bạn mất trên đường đi cấp cứu. Nỗi đau này không ngừng thôi thúc anh cố gắng nhiều hơn nữa để mỗi quận huyện đều có trạm oxy".

Để có thể nhân rộng ATM oxy, Tuấn Anh tiếp tục liên hệ thêm với nhiều nhà máy luyện thép khác để tìm nguồn. ATM Oxy do anh sáng tạo ra cũng được liên kết với các bệnh viện dã chiến, tổng đài trung tâm kết nối 23 quận huyện và tổng đài 1022 và 500 trạm y tế lưu động của thành phố... Đến hiện tại, ATM oxy đã hỗ trợ được 80.000 F0 với 11.000 bình oxy.

 "Khi quyết định làm ATM Oxy, thú thật bản thân tôi rất lo lắng, một phần vì con còn nhỏ, nhà lại có người lớn tuổi, lỡ mình có chuyện gì thì sao? Nhưng quyết tâm cứu người trong tôi lớn hơn nỗi sợ. Đó là lý do tôi giao tất cả việc kinh doanh lại cho anh trai và tập trung vào ATM Oxy. Tôi nghĩ kinh doanh là cả đời, kiếm nhiều tiền có lẽ sẽ không hạnh phúc bằng việc cứu được nhiều người", Hoàng Tuấn Anh nói.

"Cha đẻ" ATM oxy cũng đã từng bị nhiễm COVID-19, có những lúc nồng độ oxy trong máu giảm xuống còn 83-85% và phải thở máy. Những ngày nhập viện điều trị COVID-19 càng thôi thúc anh phải nhanh chóng nhân rộng mô hình ATM oxy.

Anh cho biết khi tình nguyện vận chuyển oxy hỗ trợ F0, bản thân anh cũng đã chuẩn bị tinh thần trở thành F0 bất cứ lúc nào, nên khi bị nhiễm COVID-19 anh bình tĩnh xử lý mọi việc, từ điều hành hoạt động ATM oxy cho đến chăm sóc các con. Vì thời điểm đấy, vợ anh cũng bị F0 và các con bị sốt xuất huyết...

Sáng kiến ATM oxy đã giúp TP.HCM giải quyết được bài toán thiếu nguồn oxy và cứu sống được rất nhiều F0 giữa đại dịch khủng khiếp hoành hành thành phố suốt nhiều tháng liền.

Khi đại dịch tại TP.HCM tạm lắng, đội ngũ của Hoàng Tuấn Anh lại đang tiếp tục vận động kinh phí để mang oxy đến với người dân cả nước.

Hiện, ATM oxy đã có mặt ở hầu hết các tỉnh phía Nam từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ..., và đang mở rộng ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc...

Hoàng Tuấn Anh đã vinh dự nhận Thư khen của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, về “việc làm nhân ái, quả cảm trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19”.

Tháng 3/2021, anh nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho “Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; thư cảm ơn của lãnh đạo nhiều nơi được hỗ trợ “ATM gạo”…

Hoàng Tuấn Anh cũng được bình chọn danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP. HCM năm 2020” và nhiều giải thưởng, vinh danh khác.

Mới đây nhất, Tuấn Anh là một trong 131 tấm gương tiêu biểu được tôn vinh tại triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” ở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Nội dung: HẢI MY

- Thiết kế: THẾ PHAN

HẢI MY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật