Chiều 8/10, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, biểu dương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Trong 9 cá nhân được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021, có 4 gương mặt nữ xuất sắc đã lao động, cống hiến hết mình vì một tình yêu tha thiết với Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh trao danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021 cho 9 cá nhân. Ảnh: dantri.com |
1. GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – trưởng nhóm nghiên cứu, phân lập thành công virus 2019-nCoV
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (SN 1967) hiện là Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, Trưởng đoàn Chỉ đạo xét nghiệm các đợt dịch tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh…Trong hơn 2 năm qua, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước...
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai là nhà khoa học chuyên nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới của virus, tập trung vào dịch tễ học phân tử miễn dịch và phát triển vaccine…, qua đó góp phần vào việc phát triển các chiến lược phòng ngừa ở Việt Nam cũng như chia sẻ thông tin giữa hệ thống giám sát toàn cầu.
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (bên trái) nhận bằng khen Bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID - 19 của Bộ y tế. |
Hơn 30 năm công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã có nhiều đóng góp to lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Năm 2003 - 2004, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai và đồng nghiệp đã nghiên cứu thành công virus SARS-CoV và cúm gia cầm A/H5N1… tạo ra nền tảng để phát triển vaccine phòng bệnh.
Năm 2020, với những kinh nghiệm trong nhiều năm nghiên cứu virus, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai chỉ đạo trực tiếp nhóm nghiên cứu phân lập vi rút 2019-nCoV từ những mẫu bệnh phẩm dương tính đầu tiên, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công vi rút này (sau Trung Quốc, Australia và Singapore). Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn, giúp Việt Nam có thể sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm nhằm điều trị và chống dịch hiệu quả.
2. Bà Phan Thị Bính – Người phụ nữ bán đất mua xe cứu thương, làm từ thiện
Bà Phan Thị Bính (SN 1956) trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội là một phụ nữ giàu lòng nhân ái. Dù sức khoẻ không được tốt, nhưng hơn 21 năm qua, bà Phan Thị Bính vẫn tích cực tổ chức, phát động, tham gia các hoạt động thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Năm 2018, bà Phan Thị Bính đã tự nguyện bán đất đồng thời vận động bạn bè, gia đình đóng góp thêm để có tiền mua xe cấp cứu nhằm tổ chức vận chuyển những bệnh nhân là người nghèo các tỉnh về Hà Nội hoặc từ Hà Nội về quê.
Bà Phan Thị Bính bên cạnh chiếc xe cứu thương chuyển bệnh nhân miễn phí, hỗ trợ hàng trăm người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. |
Từ đó, bà Bính và nhóm thiện nguyện đã giúp vận chuyển được hơn 300 trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh như: Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa… Bà và nhóm thiện nguyện còn hỗ trợ miễn phí thay thủy tinh thể cho 400 người tại Bệnh viện Mắt Hà Nội.
Trong hai năm 2020 - 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Khi đợt Covid-19 lần thứ tư bùng phát, bà đã bàn giao xe cứu thương cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận Hoàng Mai mượn để phục vụ đưa đón bệnh nhân và vận chuyển máy móc. Ngoài ra, bà còn đứng ra huy động các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, khẩu trang gửi đến các khu cách ly; cùng các nhóm từ thiện ủng hộ lương thực, thực phẩm cho các vùng dịch phía Nam...
Ngoài ra, bà còn thường xuyên nấu cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phóng xạ Ung bướu Quân đội; tài trợ và vận động các nhà hảo tâm triển khai xây dựng các điểm trường vùng cao, khó khăn tại Bố Trạch (Quảng Bình), xây cầu và làm đường ở Bến Tre, An Giang, Cao Bằng… cứu trợ lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn… và tiền mặt cho bà con tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.
3. Bà Ngô Thị Thanh Hằng – người lan toả giá trị văn hoá Thủ đô
Bà Ngô Thị Thanh Hằng (SN 1960), nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Trong gần 20 năm liên tục giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt thành phố, bà đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.
Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, bà Ngô Thị Thanh Hằng được trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021. |
Từ 2004 – 2011, trên cương vị là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, bà đã trực tiếp tham gia chỉ đạo và điều hành chuỗi hoạt động quy mô lớn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đóng góp vào thành công lớn của Đại lễ, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và bạn bè quốc tế.
Với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo và Trưởng đoàn công tác của Việt Nam bảo vệ hồ sơ đệ trình UNESCO bà Ngô Thị Thanh Hằng đã trực tiếp xây dựng hồ sơ đề cử để được UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới; 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới; Lễ hội Gióng (ở đền Phù Đổng và đền Sóc) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đúng vào thời điểm tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng và thực hiện thành công Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” - công trình nghiên cứu khoa học công phu, đồ sộ, phản ánh một cách hoàn chỉnh về Thăng Long - Hà Nội.
Trong thời gian công tác tại Thành uỷ Hà Nội, bà cũng có nhiều hoạt động phong phú, có sức lan tỏa, đóng góp tích cực trong việc phát triển quan hệ hợp tác gắn bó với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước cũng như quan hệ hữu nghị, hợp tác, đoàn kết với Thủ đô và thành phố của nhiều nước trên thế giới.
4. Bà Phan Thị Thuận – nghệ nhân dệt ra lụa tơ sen
Bà Phan Thị Thuận (SN 1954) là Nghệ nhân ưu tú, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, Hội viên Hội Nông dân xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, bà đã có nhiều đóng góp cho việc khôi phục làng nghề dệt vải tơ tằm truyền thống.
Bà Phan Thị Thuận người nghệ nhân ưu tú có nhiều sáng tạo trong nghề dệt |
Bà đã có nhiều ý tưởng và cho ra đời nhiều sản phẩm dệt có chất lượng cao như: nghiên cứu phương pháp cho tằm tự dệt, nghiên cứu làm ra sợi tơ sen và dệt ra lụa tơ sen… Nhờ những sáng tạo độc đáo của mình, bà Phan Thị Thuận đã đạt giải Nhất với Đề tài sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6 năm 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức, được cấp bằng độc quyền sáng chế, hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng chứng nhận “Đã có công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ được công bố trong sách và sáng tạo Việt Nam năm 2016”…
Sản phẩm của công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã được giới thiệu và xuất tới nhiều thị trường khó tính như: Nhật, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê út…, mang đến lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp của bà Phan Thị Thuận cũng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng, với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/tháng (số lượng lao động sử dụng mùa vụ 1.500 người).